0904 906 848

09:00 - 21:00

0243 771 3305

09:00 - 21:00

Bảo hiểm du lịch – “tấm vé an toàn” cho những hành trình

14:58 01/12/2017 - Lượt xem: 41

Mặc dù chỉ chiếm vài phần trăm chi phí của cả hành trình, bảo hiểm du lịch được coi là “giấy thông hành quan trọng thứ hai sau hộ chiếu”, đóng vai trò cốt yếu khi du khách phải đối mặt với những sự cố không mong muốn trong hành trình du lịch. Bảo hiểm du lịch có thực sự quan trọng không? Mua bảo hiểm du lịch sẽ được lợi ích gì? Nên chọn loại bảo hiểm nào phù hợp? Là những câu hỏi mà không phải du khách nào cũng có thể trả lời.

SỰ CỐ KHÔNG MONG ĐỢI

Du lịch là khoảng thời gian tuyệt vời để tận hưởng và trải nghiệm cuộc sống. Tuy vậy, không phải hành trình nào cũng có khởi đầu và kết thúc hoàn hảo. Cách đây không lâu, nhiều người đã xôn xao trước trường hợp của Ali Aldoh – cô gái 22 tuổi người Ai Cập đã ngồi gục ngay bên đường vì bị giật túi xách ngay tại Quận 1, TP HCM. Cô gái rất hoảng sợ và gào khóc khi toàn bộ giấy tờ cá nhân và tài sản đều bị cướp sạch.

Có những rủi ro như kể trên, bạn có thể đề phòng, song có những rủi ro hoàn toàn bất khả kháng. Chẳng hạn trận động đất 7 độ richte ở Cửu Trại Câu khiến chốn thiên đường hạ giới này tạm phải đóng cửa. Những du khách đã đặt trước tour, khách sạn tại khu vực này rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Không chỉ không thể tiếp tục hành trình mà chi phí, thủ tục hoãn, hủy tour, khách sạn đều không đơn giản.

Rủi ro thì có muôn hình vạn trạng, và hẳn nếu rơi vào trường hợp đó bạn sẽ mong rằng có “ai đó” gánh vác cùng mình. Tại Anh, chi phí dành cho bảo hiểm du lịch là khoảng 32GBP/người/năm (tương đương 985.000VND), trong khi đó, chi phí trung bình cho một yêu cầu bồi thường chính sách bảo hiểm lên đến 1.022GBP (31.475.000VND). Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Anh (ABI) công bố vào năm 2015 cho thấy, bảo hiểm đã chi trả hơn 370 triệu GBP cho hơn 580.000 yêu cầu chi trả từ du khách khi gặp sự cố ở nước ngoài.

Tuy vậy, đối với nhiều người, loại hình bảo hiểm này là… không cần thiết. Chỉ có khoảng 30% (theo Hiệp hội Bảo hiểm du lịch Mỹ) người Mỹ mua bảo hiểm du lịch trong khi con số này ở Úc vào khoảng 70% (theo số liệu 2012 của Phòng thống kê, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc) và Anh là khoảng 76% (số liệu 2012 của FCO).

Trong khi đó, ở Việt Nam, đối với những du khách đi theo tour, Luật Du lịch năm 2005 quy định rõ trách nhiệm của các công ty lữ hành quốc tế phải mua bảo hiểm cho khách hàng trong thời gian thực hiện chuyến đi. Còn đối với tour du lịch nội địa, điều này không bắt buộc trừ khi khách có yêu cầu. Nhiều công ty lữ hành cũng không có hướng dẫn và quan tâm tới khách hàng khi thấy họ lơ mơ về vấn đề này. Với tour nội địa, do lịch trình đa phần là ngắn ngày nên tâm lý khách Việt thường chủ quan, cho rằng bảo hiểm du lịch là không cần thiết nên khi mua tour chỉ quan tâm nhất đến giá thành hợp lý chứ không nghĩ tới độ an toàn và tránh rủi ro trong suốt hành trình.

Tuấn Anh – chàng phóng viên từng đặt dấu chân lên tất cả các tỉnh ở miền Bắc và đặt mục tiêu mỗi mùa mây leo ít nhất 1 đỉnh trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam cũng chưa từng mua hoặc có suy nghĩ sẽ mua bảo hiểm du lịch. “Mình thường đi những chuyến ngắn ngày, thỉnh thoảng trên đường xe hỏng hoặc gặp một số rắc rối khác, nhưng cũng không nghĩ là cần mua bảo hiểm du lịch.” – Tuấn Anh chia sẻ.

Cũng có những người như anh Nguyễn Hoàng, một thành viên của diễn đàn Phượt, mặc dù rất hay đi du lịch nhưng do nghĩ bảo hiểm du lịch tốn kém và không cần thiết mà anh đã không mua cho tới sau khi bị ngã gẫy tay trong chuyến leo Bạch Mộc Lương Tử, anh mới vỡ lẽ bảo hiểm du lịch thực sự rất quan trọng mà chi phí của bảo hiểm du lịch ít hơn rất nhiều so với tưởng tượng trước đó của anh.

Đại diện của công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho hay, mặc dù nhận thức của khách hàng về bảo hiểm du lịch đã ít nhiều có sự thay đổi tích cực, tuy nhiên so với các loại bảo hiểm phổ biến như bảo hiểm sức khỏe hay bảo hiểm nhân thọ thì loại hình bảo hiểm này vẫn chưa được quan tâm đúng với tầm quan trọng của nó. Chủ yếu là các công ty tour mua nhưng cũng chỉ với mức chi phí thấp, còn khách lẻ rất ít, trừ khi họ tham gia các hoạt động du lịch mạo hiểm hoặc nơi họ đến thường xảy ra thiên tai.

CÙNG GÁNH VÁC RỦI RO

Đáp án cho câu hỏi trên sẽ tùy thuộc vào mỗi người. Nhưng nếu bạn đang thắc mắc, hãy tìm hiểu rõ về các quyền lợi, thành phần có trong hợp đồng bảo hiểm của mình. Liệu bản hợp đồng ấy sẽ mang đến cho bạn điều gì.

Đầu tiên, bảo hiểm du lịch có trách nhiệm giải quyết những sự cố phát sinh trên hành trình. Chẳng hạn như thanh toán các chi phí mất mát, hỏng hóc hay thiệt hại hành lý tư trang do các nguyên nhân khách quan, quyền lợi bảo hiểm hủy chuyến bay/hành trình và chăm sóc y tế sức khỏe tại một nơi xa lạ… Cụ thể là chi phí điều trị y tế; vận chuyển y tế cấp cứu; tai nạn cá nhân; đưa thi hài về Việt Nam hoặc về nước nguyên xứ trong trường hợp người được bảo hiểm bị tử vong… Ngoài ra, bảo hiểm du lịch còn hỗ trợ chi phí về giấy tờ thông hành như: Thanh toán chi phí xin cấp lại hộ chiếu, visa, vé máy bay, chi phí đi lại và ăn ở phát sinh do các giấy tờ thông hành bị mất trộm, cướp, thiên tai…. hoặc trong những sự cố hoãn, hủy chuyến bay, rút ngắn thời gian du lịch, thất lạc hành lý, bị dời chuyến đột xuất hay các sự cố khác về chuyến bay…

Bên cạnh đó, một số công ty bảo hiểm còn bồi thường nếu công ty du lịch bị phá sản. Những sự cố như không tặc, dịch vụ khách sạn bị gián đoạn hay hủy bỏ do xảy ra đình công hay bạo động cũng được một số công ty bồi thường bảo hiểm. Hoặc có công ty còn bảo hiểm cho cả mất mát hoặc thiệt hại tài sản nếu nhà của khách hàng bị cháy khi họ đang đi du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, bảo hiểm du lịch sẽ không bồi thường trong một số trường hợp như: gặp rủi ro do chiến tranh, nội chiến; phụ nữ mang thai; không áp dụng cho trường hợp tự tử; mất tích bí ẩn; bị nhiễm HIV, chất phóng xạ; hành vi trái pháp luật; đi chữa bệnh; tham gia các trò chơi mạo hiểm.

BẢO HIỂM DU LỊCH: MUA Ở ĐÂU VÀ MUA NHƯ THẾ NÀO?

Để chọn mua được loại bảo hiểm du lịch phù hợp còn căn cứ vào nhiều yếu tố như hành trình của bạn là nước ngoài hay trong nước, điểm đến đó có được đánh giá an toàn (chính trị, thiên tai…) hay không… Tuy nhiên, bạn nên chọn loại bảo hiểm du lịch có thể đền bù cho tất cả các trường hợp như đã đề cập ở trên, có dịch vụ chăm sóc hỗ trợ khách hàng khẩn cấp 24/24, có dịch vụ cứu nạn cứu hộ khẩn cấp (ví dụ như trường hợp mắc kẹt do bão tuyết trên núi, phải có trực thăng đến cứu nạn, bạn phải xem bảo hiểm của bạn có được điều này không).

Đặc biệt, người mua bảo hiểm du lịch nước ngoài cần xem xét đến các yếu tố sau để chọn gói bảo hiểm phù hợp như: Điểm đến thuộc khu vực có chi phí y tế cao hay thấp (chi phí cho dịch vụ y tế ở các nước châu Âu, châu Mỹ sẽ cao hơn rất nhiều so với châu Á)? Độ tuổi của người được bảo hiểm sẽ dễ xảy ra rủi ro hay không từ đó có căn cứ để lựa chọn hạng mức bảo hiểm phù hợp với túi tiền. Ngoài ra, một cách hiệu quả khác để tiết kiệm được chi phí cho bạn đó chính là thường xuyên cập nhật các tin tức khuyến mãi từ các công ty bảo hiểm nhằm tìm cho mình bảo hiểm phù hợp với mức giá tốt.

Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều loại hình bảo hiểm du lịch khác nhau nhưng chủ yếu là 4 loại hình bảo hiểm du lịch cơ bản là: Bảo hiểm du lịch trong nước, bảo hiểm du lịch cho người Việt Nam du lịch nước ngoài, bảo hiểm du lịch cho người nước ngoài du lịch tại Việt Nam và bảo hiểm du lịch quốc tế. Mỗi loại bảo hiểm đều quy định rõ những quyền lợi mà khách hàng được hưởng và có mức chi phí khác nhau. Không chỉ dành cho các công ty lữ hành, hiện nay các công ty bảo hiểm tại Việt Nam đều đã có sản phẩm bảo hiểm du lịch dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu đi du lịch trong nước và du lịch nước ngoài.

Theo khảo sát, hiện có rất nhiều Công ty có sản phẩm bảo hiểm du lịch như: Bảo Việt, Bảo Minh, Liberty, Blue Cross, ACE Life, AIG (Chartis)… để du khách lựa chọn. Đặc biệt, ngoài quyền lợi, mức phí bảo hiểm cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Mỗi công ty bảo hiểm sẽ đưa ra nhiều gói dịch vụ khác nhau cho du khách lựa chọn, tương ứng với đó là hạn mức bồi thường khác nhau.

Hiện nay, mức phí bảo hiểm du lịch nội địa thấp nhất là 1.500VND/người/ngày (được đền bù tối đa khi có tai nạn xảy ra 10.000.000VND). Du khách cũng có thể mua bảo hiểm với các mức cao hơn: 3.000VND/người/ngày; 4.500VND/người/ngày… Mức phí bảo hiểm khi đi du lịch nước ngoài sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào từng loại rủi ro, điểm đến và thời gian đi.

Lời khuyên cuối cùng, đừng chỉ dựa vào lời tư vấn của nhân viên bảo hiểm. Trước khi quyết định mua bảo hiểm du lịch, có rất nhiều việc bạn cần làm. Đầu tiên là kiểm tra và tham khảo mức độ uy tín của công ty bảo hiểm trên thế giới hoặc ở nơi bạn sẽ đến và mạng lưới dịch vụ công ty đang cung cấp. Tiếp đến, bạn cần đọc các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm về các trường hợp được hưởng bảo hiểm, vấn đề đền bù và phạt cẩn thận: để xem được mức độ đền bù, bao gồm điều kiện gì và không bao gồm điều kiện gì.

Bên cạnh đó là hãy chắc chắn rằng loại bảo hiểm bạn có ý định mua sẽ đảm bảo chi trả các chi phí vận chuyển, hành lý, y tế (lưu ý tới các điều khoản loại trừ ví dụ như nếu bạn có tiền sử bệnh nan y, bạn sẽ không nhận được bảo hiểm này). Đặc biệt, bạn còn cần phải nắm rõ về thời hạn trong hợp đồng cũng như thời hạn báo mất cắp, báo huỷ chuyến đi, vì nếu không tuân thủ thời gian trong hợp đồng bảo hiểm thì hiển nhiên bạn sẽ không được thanh toán bảo hiểm.

Nếu đi du lịch theo tour, bạn cũng cần phải hỏi kĩ càng bởi một số công ty du lịch khi đưa ra chương trình tour cho khách lại thiếu minh bạch trong việc cung cấp những thông tin xung quanh gói bảo hiểm. Đôi khi họ từ chối tiết lộ đơn vị đứng ra bảo hiểm, mức bảo hiểm tối đa hay những quyền lợi mà du khách được hưởng. Bởi những thông tin không rõ ràng trên, cho dù trong gói tour có ghi tặng kèm bảo hiểm miễn phí nhưng khi du khách xảy ra các tình huống không may, các công ty lữ hành vẫn có thể đùn đẩy và thoái thác trách nhiệm.


Giải pháp backup tốt nhất là mua bảo hiểm du lịch, đặc biệt là khi đi du lịch nước ngoài và nếu đi một mình nữa, vì ở nước ngoài khó khăn trong việc giao tiếp, chi phí y tế cao, không có người thân hỗ trợ, ở xa nhà nữa. Chi phí mua bảo hiểm du lịch so với tổng chi phí chuyến đi là rất nhỏ, lúc bị tai nạn, bị delay, bị mất hành lý, giấy tờ v.v…mới thấy nó hữu ích thế nào.” – Trần Đặng Đăng Khoa, chàng trai Việt đang trong hành trình vòng quanh thế giới bằng xe máy chia sẻ về kinh nghiệm đảm bảo an toàn khi du lịch nước ngoài. Anh chàng cũng đang sử dụng gói bảo hiểm du lịch của Liberty trong khi bạn anh, chàng trai “nghiện” chinh phục độ cao Hoàng Lê Giang thì lại lựa chọn gói bảo hiểm cả năm của AIG. “Mình đi lại thường đều tính toán rất cẩn thận cho nên dù trekking thường xuyên nhưng chưa phải sử dụng tới quyền lợi bảo hiểm lần nào ngoại trừ một lần trễ chuyến và bảo hiểm đã thanh toán phí bồi thường cho mình khá nhanh chóng,” Giang chia sẻ. Ngoài ra, bảo hiểm du lịch với Giang là một sự đảm bảo khiến anh cũng như gia đình yên tâm phần nào với lịch trình di chuyển dày đặc.

Hiểu rõ về quyền lợi, mức chi phí, những loại hình… của bảo hiểm du lịch sẽ giúp bạn có đủ kiến thức để “chọn mặt gửi vàng” cho công ty bảo hiểm phù hợp với hành trình của mình nhất.

Theo Wanderlust Tips

>>>Xem thêm: 10 HOT TRAVELLERS CỦA VIỆT NAM

 

Thong ke

Bạn có hài lòng với sản phẩm và dịch vụ của Umove không?

Xin hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn tại đây