0904 906 848

09:00 - 21:00

0243 771 3305

09:00 - 21:00

Dáng chạy – không cần quá cầu toàn

10:31 30/11/2018 - Lượt xem: 82

Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng chạy một cách thuận tự nhiên là cách chạy hiệu quả nhất.

Đã bao giờ bạn thử giải thích cho người khác cách buộc dây giày chưa? Đây là thao tác mà chúng ta thực hiện một cách tự nhiên, tự nhiên đến mức chúng ta chẳng thể chia nhỏ thao tác này thành những bước nhỏ hơn để rồi đem đi dạy người khác cách thực hiện. Cách buộc dây giày tốt nhất hóa ra lại là đừng có suy nghĩ quá nhiều về việc phải buộc thế nào mà chúng ta hãy cứ buộc một cách tự nhiên. Và một nghiên cứu mới đây đã củng cố quan điểm đang gây tranh cãi cho rằng, chạy bộ cũng giống như buộc dây giày vậy.

Một nghiên cứu mới vừa được công bố trên Tạp chí Khoa học Thể thao do giáo sư Linda Schücker thuộc đại học Münster chủ trì. Mười hai vận động viên chạy ở tốc độ trung bình trên máy chạy bộ trong môi trường thực tế ảo và trước mắt họ là một màn hình lớn mô phỏng cảm giác chạy trên một tuyến đường vòng quanh một hồ nước. Hiệu quả chạy, chỉ số đo lường mức năng lượng cơ thể sử dụng để duy trì tốc độ nhất định, của những vận động viên này được đo trong ba điều kiện khác nhau: khi họ được yêu cầu chú trọng vào dáng chạy, hơi hở hoặc vào môi trường xung quanh.

Thí nghiệm này được thực hiện để thử nghiệm một lý thuyết vận động trong đó phân biệt khả năng hướng sự tập trung vào các yếu tố bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho rằng việc chú trọng nhiều vào yếu tố bên ngoài, vào hệ quả của hành động mà bản thân thực hiện, giúp mang lại kết quả tốt hơn. Ví dụ, khi thực hiện động tác ném bóng rổ, chúng ta sẽ ném tốt hơn khi tập trung vào quan sát đường bóng đi qua rổ thay vì vào góc khuỷu tay hay chuyển động của cổ tay. Việc tập trung vào các tiểu tiết bên trong của các chuyển động của cơ thể làm đứt quãng tính “tự động” của những hành động quen thuộc này.

Trở lại thời điểm năm 2009, Schücker công bố một nghiên cứu tương tự nghiên cứu mới thực hiện nêu trên trong đó ông đưa ra nguyên tắc tương tự trong môn chạy bộ. Khi vận động viên tập trung vào dáng chạy, hiệu quả của việc chạy sẽ thấp hơn so với việc họ để tâm vào cảnh quan xung quanh; khi vận động viên tập trung vào hơi thở, hiệu quả chạy thậm chí còn giảm xuống thấp hơn. Đây chính là kết quả của nghiên cứu mới được thực hiện. Trung bình các vận động viên tiêu tốn thêm 2,6% oxy khi tập trung vào dáng chạy và 4,2% oxy khi tập trung vào hơi thở.

Nút thắt của nghiên cứu mới nằm ở chỗ Schücker cố gắng tìm ra yếu tố làm giảm hiệu quả chạy của vận động viên. Khi tập trung vào dáng chạy, dao động chiều thẳng đứng (vertical oscillation) của vận động viên lớn hơn trong từng bước chạy và khiến cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Ngoài ra còn có các yếu tố khác biệt nhỏ giữa các vận động viên; ví dụ, một vài vận động viên có xu hướng co đầu gối mạnh hơn khi tập trung vào dáng chạy. Khi tập trung vào hơi thở, nhịp thở của vận động viên sẽ dài hơn và chậm hơn: ở mức 28,7 nhịp mỗi phút so với 34,0 nhịp trong điều kiện tập trung vào khung cảnh.

Thông điệp từ nghiên cứu này khá rõ ràng: cơ thể chúng ta hiểu rõ cách chạy và cách thở, vậy nên đừng mất công quan tâm tới những tiểu tiết này. Tuy nhiên, có một vài lưu ý quan trọng như sau. Vài năm trước đây tôi từng có cơ hội trao đổi về lĩnh vực nghiên cứu này với Noel Brick, một chuyên gia tâm lý học tại Đại học Ulster, người dành nhiều thời gian nghiên cứu về suy nghĩ của các vận động viên sức bền trong quá trình chạy, đạp… Một trong những quan điểm mà ông này đưa ra là không phải vận động viên nào cũng có cùng tư duy về dáng chạy. Ở thí nghiệm của Schücker, vận động viên được yêu cầu: “Tập trung vào động tác giậm và chuyển động về phía trước của chân.” Yêu cầu này có giống với những yêu cầu mà bất kỳ huấn luyện viên chạy bộ nào cũng thường đưa ra hay không? Có lẽ chính những tiểu tiết của yêu cầu này đã làm giảm hiệu quả chạy của chúng ta và kết quả có lẽ sẽ khác so với khi chúng ta tự nhắc bản thân “bước ngắn lại và đừng ngả ra sau quá nhiều.”

Một điểm khác mà Brick nêu ra là ngay cả những người cổ súy mạnh mẽ cho việc thay đổi dáng chạy cũng không ủng hộ việc lúc nào cũng dồn hết tâm trí vào dáng chạy. Thay vào đó, chúng ta nên tự xem xét dáng chạy của bản thân một cách định kỳ: chúng ta nên liệt kê danh sách những điểm chính liên quan đến dáng chạy mà bản thân xem là quan trọng thay vì để tâm tới những hướng dẫn chung chung như chú ý tới chuyển động về phía trước của chân và sau đó chúng ta nên thư giãn và để đầu óc suy nghĩ những việc khác.

Có hai vấn đề khác luôn xuất hiện trong các nội dung trao đổi về dáng chạy. Vấn đề thứ nhất là việc cố gắng thay đổi dáng chạy có thể khiến hiệu quả chạy giảm trong ngắn hạn nhưng tăng trong dài hạn vì cơ thể sẽ tự động quen dần với chuyển động mới. Vấn đề thứ hai là hiệu quả chạy không hẳn là kết quả cuối cùng mà chúng ta quan tâm. Rất nhiều người sẵn sàng chấp nhận giảm 2% hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ chấn thương. Cả hai quan điểm này đều có cơ sở và mặc định rằng chúng ta biết những điểm cần điều chỉnh đối với dáng chạy của bạn thân để có thể cải thiện hiệu quả chạy và giảm nguy cơ chấn thương – đây là vấn đề thu hút nhiều sự tranh luận sôi nổi từ giới nghiên cứu về chạy bộ.

Một sự khác biệt quan trọng trong các nghiên cứu về học tập khi vận động là sự khác biệt giữa người mới tập và người tập lâu. Các thao tác như buộc dây giày, ném bóng rổ hay đánh golf đều bắt đầu từ một chuỗi những bước nhỏ mà chúng ta phải để tâm tập trung. Theo thời gian và khi chúng ta thành thục hơn, chuỗi trình tự này sẽ được kết hợp thành một bước thực hiện duy nhất và lưu trữ trong bộ nhớ và khi đó chúng ta không cần đòi hỏi phải có sự kiểm soát của ý thức mới có thể thực hiện được những thao tác ấy. Sự khác biệt này dẫn đến một hệ quả thú vị. Nếu chúng ta thúc giục người mới chơi golf đánh nhanh, họ sẽ đánh vào lỗ ít hơn khi chúng ta nói họ cứ đánh từ từ. Người mới chơi cần có thời gian tập trung vào những bước chuyển động để đưa bóng vào lỗ. Ngược lại, nếu chúng ta thúc giục người chơi golf nhiều kinh nghiệm đánh nhanh, họ sẽ đánh vào lỗ nhiều hơn. Những thao tác này được thực hiện hiệu quả nhất khi đã được đồng bộ vào bộ nhớ quy trình của chúng ta thay vì việc chúng ta phải suy nghĩ quá nhiều về tiểu tiết khi vận động.

Trong một số trường hợp, cải thiện dáng chạy sẽ hiệu quả hơn về mặt tránh chấn thương

Do đó, tôi cho rằng cần phải cân nhắc kỹ trước khi yêu cầu những người đã chạy lâu thay đổi dáng chạy. Có thể dáng chạy của họ có một vài điểm không hoàn hảo nhưng để có thể thay đổi dáng chạy của đối tượng này, chúng ta cần phải vượt qua được thói quen vận động đã ăn sâu vào trong tiềm thức của họ và được họ tối ưu ở mức độ nhất định. Câu hỏi còn dang dở ở đây là liệu những người ít chạy nên được xếp vào nhóm mới bất đầu hay có kinh nghiệm. Có thể ai đó cho rằng chúng ta thường dành cả đời để chạy; nhưng một số khác có thể lý luận theo hướng những người lười vận động mới tham gia chạy bộ được xem là người mới tiếp thu một kỹ năng mới – hoặc tối thiểu là những người có thể học lại từ đầu dễ dàng hơn so với những người tập luyện hàng ngày trong thời gian 10 năm.

Tóm lại, chúng ta không nên đưa ra một lời khẳng định tuyệt đối nào về vấn đề này. Việc để tâm tới dáng chạy không hoàn toàn là việc không nên làm nhưng chúng ta cũng không nên dành toàn tâm suy nghĩ về nó. Tôi cho rằng nghiên cứu này thiên về xu hướng thuận theo tự nhiên. Trừ khi chúng ta có lý do xác đáng để cải thiện dáng chạy và có cơ sở chắc chắn nắm rõ cần thay đổi những điểm nào, cải thiện dáng chạy sẽ lôi kéo chúng ta vào một cuộc vật lộn không có hồi kết. Còn về vấn đề thở trong khi chạy, trong bối cảnh những lợi ích của việc lưu tâm tới nhịp thở trong khi chạy còn chưa rõ ràng, tôi cho rằng chúng ta cứ nên thở một cách tự nhiên và đừng tốn công lưu tâm đến nhịp thở.

Theo BOIDAPCHAY

>>> Xem thêm: BÀI CHẠY DÀI TRONG TẬP LUYỆN MARATHON

 

Thong ke

Bạn có hài lòng với sản phẩm và dịch vụ của Umove không?

Xin hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn tại đây