0904 906 848

09:00 - 21:00

0243 771 3305

09:00 - 21:00

Kinh nghiệm chinh phục Annapurna Base Camp - Nepal

09:18 30/03/2018 - Lượt xem: 1103

Cô nàng xinh đẹp Mai San không là gương mặt quá thân quen với những bạn trẻ yêu thích du lịch trải nghiệm rồi. Dưới đây là những chia sẻ về chuyến hành trình chinh phục Annapurna Base Camp của bạn Mai San, vô cùng chi tiết và hữu ích.

Có người hỏi “Tại sao em lại muốn bỏ tiền vào những chuyến đi chứ không phải bất cứ thứ gì khác? Xe mới, một gear máy ảnh, những bộ đồ xinh xắn ?”. Cũng có những lần mình trả lời, cũng có những lần lưỡng lự cho qua. Người ta vẫn thường có câu “Có 3 thứ trên đời không thể lấy lại được: Thời gian, lời nói và cơ hội”. Mình có thời gian, mình có cơ hội, thêm một “đôi chân khỏe và trái tim ít sợ những điều chưa đến” nữa.

Tại sao lại là Nepal hoang sơ và man dại ? Mình chỉ nhớ trong tiềm thức của những ngày còn ngồi ghế phổ thông, trong những bộ phim khám phá Himalaya hùng vĩ, về những cơn bão tuyết thịnh nộ, về những chiếc bình oxy, và những mũi tiêm nữa. Mình đã từng đau đáu nghĩ về Himalaya, nhưng ngày đó là đôi mắt thèm muốn trước màn hình chiếc TV cũ kĩ, còn bây giờ, mình đã ở đây, từng nín thở trước Himalaya, trước dãy Annapurna, một trong những cung đường trekking đẹp nhât thế giới, từng vượt nắng gió, mưa đá, lạnh buốt, và không chỉ còn là “ao ước” nữa. Đó là những ngày để mình tận hưởng, để ngồi đây gõ lại những dòng này bằng hồi ức thật đẹp. 

Dưới đây là bài review về chuyến Nepal 13 ngày của mình cùng các anh chị. Hi vọng rằng nó đủ để các bạn đi sau có một sự chuẩn bị kĩ càng và kinh nghiệm đối mặt với những sự cố bất ngờ xảy ra. Bài review này có thể áp dụng cho EBC (Trừ lịch trình).

1. NÊN ĐI VÀO THỜI GIAN NÀO ?

Rất nhiều bạn inbox hỏi mình “Thời điểm bạn đi đã là thời điểm đẹp nhất chưa ?” rồi “Sao không đi vào mùa khô ấy ?”.

Trekking Annapurna nói riêng và đến Nepal nói chung có 2 mùa đẹp nhất: 1 là tháng 10-11 khi Nepal bắt đầu bước vào mùa khô, thời tiết mát mẻ, và chắc chắn là đỡ khắc nghiệt hơn. Hai là mùa mình đi rơi vào khoảng giữa tháng 3. Khi tuyết bắt đầu tan dần, những cánh đỗ quyên rừng Himalaya bung sắc, các loại hoa rừng đua nở dưới tán cây già.

Bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 mùa, tuy nhiên, với cá nhân mình mình vẫn rất ấn tượng với thời điểm mà mình đi dẫu rằng thời tiết vô cùng, vô cùng khắc nghiệt.

2. VISA

Cực kì đơn giản. Không cần ảnh luôn. Đáp đến sân bay của Nepal sẽ có một tờ khai ngắn gọn bằng giấy nhỏ (được phát luôn trên máy bay hoặc ngay tại sân bay cũng có). Hiện tại nhập cảnh vào Nepal đã làm online (có máy trực tiếp ở sân bay). Bạn điền thông tin xong thì ra quầy nộp 25$ là hoàn tất thủ tục visa cho 15 ngày rồi nhé 
Đừng lo lắng gì cả, vì ở sân bay có nhân viên chỉ dẫn. Lưu ý: Nhớ chủ động mang theo 1 chiếc bút cho riêng mình để tránh phải chờ đợi nhé.

3.THỂ LỰC.

- Bạn nên tập luyện trước khi đi, đi bộ và leo cầu thang tầm 1 tháng là ok rồi. Đặc biệt mình thấy những anh hay đá bóng thường có thể lực rất tốt và dễ thích nghi. Mình thì lười quá chẳng tập tành đi bộ đi rả gì, nhưng thật sự là ăn may nên không sao, chứ khuyên chân tình là nên tập trước, cực kì nên đấy nhé !

- Ngoài ra, các bạn nên uống thuốc bổ não trước khi leo tầm một tháng ạ. Điều này giúp bạn dễ dàng vượt qua được chứng sock độ cao hơn. 
- Không thở bằng mồm trong quá trình leo tránh khí lạnh nhiễm vào phổi.
- Mình là đứa cảm thấy có sức bền khi leo núi, dù không khỏe kiểu trâu bò hay đột phá, và có một vài chiến thuật nhỏ riêng: Leo đủ 20 bậc dừng nghỉ 5s, không dừng nghỉ quá lâu tránh chùn chân, nên khi mọi người nghỉ thì mình cố gắng đi tiếp.

4. BẢO HIỂM DU LỊCH.

Không ai muốn mình mua bảo hiểm mà phải dung đến nó cả. Nhưng có những sự cố mà mình không biết nó sẽ xảy ra như thế nào, nên việc mua bảo hiểm là vô cùng cần thiết. Bọn mình chọn gói 550k của AIG. Đoàn mình có anh Hachi bị sock độ cao (mà ngày nào anh ý cũng chạy 10km luôn ý nhé), chị Quỳnh Anh bị sock độ cao nhẹ, nhưng mấy ngày trước còn bị viêm phổi nữa, anh Chung thì sốt vì bọng rang. Thế là phải đi trực thăng xuống. Gói bảo hiểm này được đi trực thăng miễn phí cùng mấy ngày nằm viện quốc tế Norvic miễn phí. Nếu trường hợp bạn bị sock độ cao thì bạn biết đấy, để có một chuyến trực thăng trong vòng 45p, để bạn bỏ qua quãng đường 50km còn lại là không hề rẻ. Lưu ý là trực thăng sẽ đưa thẳng về Kathmandu chứ không phải Pokhara nha.

5.GIẤY PHÉP LEO NÚI (PERMIT)

Mình đi theo tour nên bên tour chuẩn bị cho mình luôn. Còn đối với đi tự túc, bạn cần xin giấy phép leo núi với giá là 32$ nhé.

6.NHỮNG ĐỒ PHẢI CHUẨN BỊ.

Đối với cá nhân mình, khi leo núi, có 4 thứ quan trọng nhất: giày leo núi, balo leo núi, gậy leo núi và thuốc. Mình liệt kê những list đồ cần chuẩn bị dưới đây, trừ thuốc chuyên dụng ra, tất cả các đồ mình đều mua tại Umove Travel & Outdoor Gear chỗ mua đồ leo núi và đồ Phượt tin dung của mình.

- Giày leo núi cổ cao chống nước: Mình mua đôi Cabelas cổ cao (tránh trật khớp) và có chống nước. Cá nhân mình review đôi này khá ổn với điều kiện đi trong mưa đá và bang tuyết đều rất ok. Mũi chân không quá cứng, form giày đi rất dễ chịu và không bị bí. Mình chọn giày lớn hơn so với chân 2 size để đi tất trekking là vừa. Mọi người thường chuẩn bị 1 đôi cổ thấp nữa, nhưng vì mình “tiết kiệm” nên 7 ngày trên núi mình đi 1 đôi này thôi.

- Balo leo núi: Các bạn nên chọn những dòng chuyên dụng như Deuter, JW, Northface. Một balo to để gửi porter, một balo nhỏ có trợ lực để mình đựng những đồ cần thiết khi leo. Trường hợp bạn đi tự túc không thuê porter thì balo to nhất thiết phải có trợ lực, nếu bạn không muốn gãy vai hoặc rụng bớt bộ phận nào đó.

- Gậy leo núi: Chọn cây nào chắc chắn, kích cỡ vừa tầm là được thôi. Mấy dòng của Naturehike cũng rất ok ạ.

- Quần áo: Quần mau khô Nomad (siêu mỏng, siêu nhẹ, siêu thích, siêu mau khô), 1 bộ đồ giữ nhiệt , quần đi tuyết và chống nước, 1 áo phao 2 lớp, 1 áo phao 3 lớp, áo phông. Có thể chuẩn bị thêm quần lót giấy mặc một lần. ưu tiên số 1 về quần áo mỏng và nhẹ nhé.

- Mũ tai bèo, mũ len, khăn, kính râm, đèn pin, bó ống quần, gang tay đi tuyết, móc khóa, áo mưa nhẹ, bộ dụng cụ y tế cơ bản (cũng mua ở Umove luôn), bình nước giữ nhiệt.

- Tất trekking, khăn đa năng.

- Khẩu trang: đặc sản của Kathmandu là “bụi, rất nhiều BỤI”

- Xịt khoáng cấp nước, son dưỡng môi: Bên đó siêu siêu khô ạ. Đồ dung vệ sinh cá nhân, khăn ướt và khăn khô.

Kem chống nắng chỉ số chống nắng 50SPF trở lên, mình mua loại vật lí có tác dụng luôn khi bôi xong. Thật sự cái nắng của Himalaya rất đáng sợ vì càng lên cao thì lại càng gần mặt trời hơn.

- Sạc dự phòng: 1 chiếc 20.000 mah là đủ rồi, tại các Tea house trên núi đều có chỗ sạc. Trước lúc đi cả đoàn cuống cuồng lên đi mượn sạc dự phòng, rồi đi về mới cảm thấy thật sự 1 chiếc 20.000 là quá đủ.

Lưu ý: Bạn nên mua giày leo núi trước từ Việt Nam, để đi cho quen chân, còn những đồ khác bạn nên để qua Kathmandu mua cũng được, bên này thiên đường đồ trekking luôn nhé, nhưng mình thì cẩn thận, cứ mua ở Việt Nam đi cho chắc.

THUỐC (Cực kì, cực kì quan trọng).

Thời tiết ở Himalaya thì thật sự khắc nghiệt, trong người đang hừng hực nóng, mồ hôi nhễ nhại nhưng nhiệt độ ở ngoài chỉ có 1,2 độ. Đang nắng cháy rát mặt, đùng cái mưa đá lạnh buốt. Vì thế nên bạn cần chuẩn bị thuốc thật kĩ càng:

- Thuốc hạ sốt giảm đau cực mạnh, nhưng không gây buồn ngủ.
- Thuốc cảm, không gây buồn ngủ
- Thuốc Berberin đặc trị tào tháo đuổi
- Thuốc giãn cơ Myonal uống 2 viên trước lúc leo tầm 30p
- C sủi
- Salonpas dạng xịt giảm đau tức thời
- Salonpas dạng dán
- Thuốc bôi giãn cơ Counterpain.
- Thuốc kháng viêm VÀ chống phù nề. 
- Thuốc chống sock độ cao (bắt buộc phải có). Cái này mình lục tung khắp Hà Nội lên mà không có, thế nên các bạn có thể mua tại Nepal nha. 
- Urgo, băng gạc và đồ sát khuẩn. 
- Miếng dán nhiệt, dầu gió. 
- Thuốc say xe dành cho những bạn say xe (khoảng 2 liều)

Lưu ý: Mình có một thói quen riêng, là dù đoàn có chuẩn bị đồ chung thì mình vẫn chuẩn bị đồ y tế riêng cho mình. Bên Tour leo núi thường sẽ chuẩn bị cho mình thuốc chống sock độ cao, nhưng bạn phải hỏi lại chắc chắn và bắt họ chứng minh. Tránh như trường hợp đoàn mình, cả đoàn tin tưởng bên Tour và cuối cùng không có một viên thuốc chống sock độ cao nào, và với lí do là thuốc đấy nhiều tác dụng phụ.

7. ĂN UỐNG

ĐEM ĐI NHỮNG GÌ ?
- Socola và những đồ ăn nhẹ như bánh quy.
- Mình không thích socola nên mình không mua. Bạn cứ mua những đồ gì mà bản thân cảm thấy thích ăn là được. Như mình là mình mang sữa, cảm thấy uống vào nhanh tỉnh và nhiều năng lượng vô cùng luôn.
- Đồ ăn mặn như: Ruốc, mắm tép, muối lạc, lạc rang. Đồ ăn của Nepal cũng không quá khó ăn nhưng mình khuyên nên mang thêm. Từ trạm Bamboo trở lên là trong thực đơn sẽ không có thịt vì họ theo đạo. Và ăn quá nhiều đồ liên quan đến cari thì thật là sợ
- Nên mang theo canh tôm rong biển mua tại Hachi, Hachi, bạn chỉ cần cho vào bát và xin nước nóng là có bát canh rất ngon rồi. (cái này học được của chị Thanh đoàn mình).
- Mì gói, café hoặc trà mà mình thích, kẹo gừng, omai, trà gừng, tăm. Rieneng mình mua kẹo chanh muối của Vinmart, vừa ngon, vừa tỉnh vừa giữ nước nữa.

NHỮNG MÓN NHẤT ĐỊNH PHẢI THỬ Ở NEPAL.
- Cơm DalBhat: món ăn nhiều nhất ở Nepal, mấy ngày đầu ăn thì ngon miệng, nhưng dần dần sẽ bị sợ vì nhiều cari.
- Lassi : kiểu như sữa chua uống ý, ở gần khu vực quảng trường của Kathmandu với giá là 40 rs 1 cốc nhỏ. 
- Bánh Cream cham cham
- Momo, gungru. 
- Ở Thamel (Kathmandu) có quán phở Việt, khoảng 100k cho 1 bát, ăn cũng được, bạn có thể đổi bữa nếu quá ngấy đồ ăn Nepal. Lúc thanh toán thì nói mình là người Việt nhé, sẽ được giảm 10% đó ạ.

8. BOOK VÉ MÁY BAY VÀ PHÒNG

Từ Việt Nam sang Nepal không có đường bay thẳng, vì vậy bạn bắt buộc phải transit tại Kualalumpur, Bangkok hoặc Singapore. Bọn mình book vé của Asia Air và transit 1 đêm tại Kualalumpur. Hành lí được chuyển thẳng đến Kathmandu.

Trong vé máy bay không có bữa ăn phụ và chưa bao gồm hành lí kí gửi. Thời gian bay khá dài nên để tránh đói thì bạn nên mang theo bánh hoặc đồ ăn nhẹ trong hành lí xách tay nhé. Để thêm 1 bình nước bên ngoài để khi check in xong thì vào lấy nước đem lên máy bay.

Phòng ở Kathmandu hoặc Pokhara bạn có thể book trước trên booking.com, với giá dao động từ 10 – 25$.

9. TIỀN TỆ

Trước khi đi đổi VND -> $. Mình đổi tại phố Hà Trung. Vì sang Kula hay Nepal thì chỉ chấp nhận đổi từ $ thôi.

Đến sân bay của Kuala vì có một đêm transit tại đó nên bọn mình đổi một ít tiền ringgit ngay tại sân bay đủ để chi trả khách sạn ở China Town, ăn tối, ăn sang và di chuyển. 
Đến sân bay của Nepal thì bọn mình lại đổi tiếp tiền $ -> rupee của Nepal. Hoặc bạn có thể đến Kathmandu đổi cũng được vì ở Kathmandu có rất nhiều chỗ để bạn đổi tiền.

10. CHI PHÍ

Chi phí cho cả chuyến sẽ dao động từ 1500$ - 1700$ bao gồm tất cả việc mua đồ chuẩn bị.

11. SIM , WIFI

Bạn có thể mua 1 chiếc sim NCell tại Nepal nếu có nhu cầu liên lạc hoặc công việc. Còn mình đi chơi là hoàn toàn đi chơi nên mình không mua sim.
Tại các khách sạn ở Kathmandu và Teahouse trên núi đều có wifi. Teahouse thì sẽ phải mua wifi với giá khoảng 150- 200rs. Hoặc bạn có thể thương thảo để dùng free.

12. NÊN MUA TOUR LEO NÚI HAY ĐI TỰ TÚC?

- Một tour thường sẽ bao gồm ăn 3 bữa và nghỉ tối tại các Teahouse. Xe đưa đón từ sân bay -> khách sạn, họ sẽ xin giấy phép leo núi cho mình, Guide và porter đảm bảo vác cho mình tối đa 15kg đồ. Hoàn toàn không bao gồm chi phí sạc điện, nước nóng tắm, wifi và tiền mua nước uống trong bữa ăn hoặc nước để leo núi. Đổi lại bạn sẽ được lo khá nhiều. Một tour thường dao động từ 500$ trở lên, còn bọn mình may mắn được chị Quỳnh Anh thương thảo nên được giá quá mềm, chỉ hơn 400$ thôi, mà còn được 2 đêm free ở Kathmandu nữa. Yên tâm là rất khó để có giá này.

- Còn bạn đi tự túc thì sẽ tự thuê porter hoặc không cần porter. Các điểm trekking đều có biển chỉ dẫn, bạn mua sẵn bản đồ hoặc tải map xuống. Đi tự túc chi phí sẽ khoảng 300$ cho 7 ngày trên núi. Bạn phải tự chủ và nhanh nhạy trong tất cả sự cố nếu xảy ra.

13. CHỤP ẢNH VÀ CHỈNH ẢNH

Vẫn quan điểm cũ, một chiếc điện thoại là quá đủ cho một chuyến đi. Đồng hành lần này chiếc Galaxy S9 và hậu kì ảnh hoàn toàn bằng VSCO.

14. LỊCH TRÌNH 13 NGÀY

Ngày 0: Hà Nội – Kulalumpur: nghỉ đêm tại China Town cách sân bay 60km.

Ngày 1: Kulalumpur- Kathmandu: mua sắm, ăn uống và nghỉ ngơi tại Thamel, Kathmandu

Ngày 2: Kathmandu- Pokhara (di chuyển 7 tiếng). Ăn trưa trên đường đi, ăn tối và nghỉ qua đêm tại Pokhara.

Ngày 3: Pokhara -> Nayapull và bắt đầu trekking. Nghỉ đêm tại guesthouse ở Ghandruk. (17km)

Ngày 4: Ghandruk -> Bamboo. Ăn sáng ở Hot Spring, ăn trưa ở Chomrong. Chặng đường trekking dài và kinh khủng nhất với những con dốc kinh hoàng. (17km)

Ngày 5: Bamboo -> Deurali . Ăn sáng ở Dovan, ăn trưa ở Himalaya và 3h chiều đã có mặt ở Deurali . Chặng đường ngắn nhất, nhàn nhất (9km)

Ngày 6: Deurali -> Annapurna BaseCamp (ABC): Ăn sáng ở MBC, và 3h chiều có mặt ở ABC (7km)

Ngày 7: ABC -> DoVan. Ăn sáng ở ABC, ăn trưa ở MBC. Tiễn 4 thành viên của đoàn lên trực thăng trước và 9 người còn lại tiếp tục chặng về. Cũng rất kinh khủng và đi trong mưa đá 2 tiếng đồng hồ. Cập bến Dovan vừa lạnh vừa tối sẩm.

Ngày 8: Dovan -> HotSpring. Ăn sáng ở Bamboo, ăn trưa ở Chomrong và nghỉ tối tại HotSpring. Ở đây nên thử tắm suối nướng nóng với giá 100 rs, vô cùng thư giãn và vui vẻ nhưng với điều kiện đến được suối thì cũng bở hơi tai =)))))

Ngày 9: Hotspring -> Kathmandu. Ăn sáng ở Ghandruk, ăn trưa ở Pokhara và về đến Kathmandu là 12h đêm.

Ngày 10,11,12: Chơi ở các điểm chơi ở Kathmandu và mua sắm.

Ngày 13: Sân bay Kathmandu -> Kulalumpur, transit 6 tiếng và có mặt ở Nội Bài vào 8h sáng của ngày 14.

LƯU Ý: 
- Trên đường về China Town bạn có thể ghé qua check in với tháp đôi của Kualalumpur. Beer ở Kua cực kì đắt, nên xem giá và cân nhắc trước khi uống. 
- Ngày 4: Di chuyển từ Pokhara -> Nayapull và bắt đầu trekking. Quãng đường cho ngày trekking đầu tiên đo được lại là 17km. Bọn mình bắt đầu trek từ 10h sáng và đến Ghandruk tối sầm, lạnh và kèm mưa nặng hạt. Lời khuyên các bạn là các bạn hãy bắt xe Jeep từ Nayapull -> Madgeu và bắt đầu trek từ đây. Trời ơi đừng phí sức cho quãng đường đi bộ gần 10km làm gì, cảnh xấu và toàn hít bụi. Đi bộ 10km hay 30km chúng ta vẫn đi được, nhưng không nên phí sức cho những điều vô nghĩa, vừa tiết kiệm được thời gian và sức lực mà mỗi người chỉ mất khoảng 60k tiền Việt cho quãng đường 10km. CỰC KÌ LƯU Ý CHỖ NÀY NHÉ. Và bọn mình phát hiện ra quá muộn. Nếu như thế thì bạn được nghỉ tối luôn tại Hot Spring và ngắm bình minh tuyệt đẹp chứ không phải là Ghandruk nữa. Và tiết kiệm cho quãng đường xuống chỉ còn là 100km thôi.

15. MỘT SỐ LƯU Ý KHÁC.

- Ngoài đặc sản bụi ra thì còn đặc sản cứt chim ở Kathmandu nữa, luôn luôn mang giấy ướt theo người nhé.
- Vé vào các điểm đền của Kathmandu thấp nhất là đền Khỉ 200rs, còn đâu có những chỗ trung bình là 400rs và đa phần là 1000 rs. 
- Bạn hoàn toàn được mặc cả đồ + taxi, bình thường giá mặc cả xuống chỉ còn khoảng 3/5 thôi ạ. 
- Cẩn thận lũ khỉ của đền khỉ, kem, đồ ăn, hoa quả, đồ vật nhiều màu sắc, điện thoại, máy ảnh, chúng có thể cướp bất cứ thứ gì và đội quân vô cùng đông đảo và đáng sợ =))))))
- Đa số các nhà hàng ở Kathmandu đều tính thêm 10% phí dịch vụ nếu bạn hỏi pass wifi hay nhờ sạc pin đó ạ .
- Teahouse (chỗ ở) và ăn uống trên núi cũng không quá đắt trừ những đồ uống sanh chảnh kiểu như beer. Tính ra ở thì khoảng 60-80k tiền việt 1 người/1 đêm. Đồ ăn sẽ dao động từ 100k trở lên. Nếu quá khó ăn bạn có thể mua riêng rau và trứng để tự chế biến.
- Uống nước thì nên uống từng ngụm nhỏ một, đừng ừng ực một phát hết luôn nhá. Nước trên này đắt lắm.
- Đi tự túc tự thuê porter sẽ có giá khoảng 15 – 20$ 1 ngày.
- Câu chào của người Nepal là NAMASTE. Đi leo núi cũng nên chào nhau câu đó theo văn hóa của người Nepal nhé.
- Nguyên tắc mình luôn nhắc trong tất cả bài review: Không xả rác bừa bãi và hãy là người du lịch có văn minh.

Trên đây là bài review cùng một số lưu ý mà rút ra được trong chuyến đi, mình mong nó sẽ giúp ích cho nhiều bạn.

Theo Mai San

>>>Xem thêm: HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC HẺM TU SẢN

Thong ke

Bạn có hài lòng với sản phẩm và dịch vụ của Umove không?

Xin hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn tại đây