Tặng THẺ THÀNH VIÊN với đơn hàng trên 1.000.000đ. Xem thêm
16:24 08/07/2019 - Lượt xem: 47
Sau những ngày nghi ngại với những thông tin bất lợi trước chuyến đi cuối cùng thì tôi cũng đã đặt chân đến xứ Ấn một cách an toàn và suôn sẻ.
Tối hôm qua, trong chuyến bay từ Singapore đến Amritsar_ điểm đến đầu tiên của tôi trong hành trình xứ Ấn này thì tôi là du khách quốc tế duy nhất. Có lẽ vì vậy mà mấy anh nhân viên hải quan đẹp trai rất niềm nở và đùa giỡn cùng tôi rồi lại một câu hỏi mà tôi đã nghe vô cùng quen thuộc "mày là người Việt Nam á? Tao nhìn mày giống Phillipines".
Book 1 chiếc taxi với giá 500rp thẳng tiến về Hostel của tôi "City on Pedals - Backpackers and Tours" khi đã hơn 8:pm Vậy nên tôi chỉ tắm rửa rồi đi ngủ luôn mà bỏ qua bữa tối vì nghi ngại việc ra đường khuya sẽ không an toàn.
Vì ngủ sớm nên tôi dậy cũng sớm. Tranh thủ khi nhịp sống Amritsar còn chưa hối hả, tôi cho bạn Spark của mình có chuyến bay đầu tiên ở xứ Ấn. Việc không lường trước rằng ngay hostel tôi ở có một cột sóng viễn thông khiến drone của tôi mất tín hiệu, trôi một đoạn rồi hết pin tự đáp xuống lề đường. Cũng may là drone của tôi đáp xuống đường chứ không phải trên nóc nhà hay chưa xuống cống nên hớt hãi một chút thì tôi cũng đã tìm thấy drone. Nhưng rồi nhìn lại mình thì tôi ngượng chín mặt vì còn mặc nguyên bộ đồ ngủ chạy lông bông, mà cái giờ đó thì bắt đầu mọi người đã ra đường vậy nên quãng đường trở về hostel chưa bao giờ tôi thấy dài đến thế, xí hổ đến thế...
Xếp đồ đạc, quẩy balo lên chuẩn bị ra đường thì tôi gặp Sarah, một backpacker New Zealand ở phòng sinh hoạt chung. Chúng tôi trò chuyện rôm rả đến quên thời gian cũng chẳng hề biết ngoài trời chuyển mưa rất lớn. Chỉ đến khi cái bụng đói lả của tôi biểu tình thì tôi mới chịu đứng dậy đi kiếm đồ ăn.
Ngặt nỗi, khu tôi ở chẳng có gì ăn cho ra hồn vậy nên tôi quyết định bắt một chiếc rickshaw ra Liberty Market vừa để đổi tiền vừa hy vọng chợ thì tha hồ lựa chọn đồ ăn theo ý thích. Thế nhưng Liberty chỉ đáp ứng được việc đổi tiền còn đồ ăn vẫn chưa thấy đâu. Để cho chắc, tôi lại book 1 chiếc rickshaw đến Golden Temple vừa thăm ngôi đền linh thiêng của những người đạo Sikh vừa thoả mãn cơn đói bằng bữa ăn miễn phí ở nơi đây dành cho tất cả mọi người bất kể tôn giáo nào. Golden Temple có lẽ là nơi phục vụ những suất ăn miễn phí hàng ngày cho nhiều người nhất trên thế giới. Và tôi không phải thất vọng. Một suất ăn chay miễn phí nhìn hình thức rất không bắt mắt nhưng vô cùng ngon lành. Tôi chén sạch sẽ suất ăn ấy và đặc biết thích bát cháo sữa thơm ngon, cái món mà Đức Phật đã dùng sau thời gian dài tu khổ hạnh.
Nhưng tôi đến Golden Temple đâu phải chỉ để ăn. Lý lo tôi đến Amritsar đầu tiên trong hành trình này là vì Golden Temple, là vì tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về đạo Sikh. Thời gian ở Golden Temple của tôi chỉ hơn 4h là chưa đủ để tôi hiểu nhiều về nơi này vậy nên dự định ngày mai tôi sẽ còn quay lại nơi đây. Tôi nghĩ rằng tôi cũng sẽ viết 1 bài riêng về đạo Sikh, về Golden Temple vì viết mấy dòng ở đây làm sao có thể hiểu rõ về tôn giáo tốt đẹp ấy...
2:30pm tôi rời Golden Temple để lên 1 chiếc share taxi với giá 150rp đến Wagah Border xem lễ đóng cửa biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan diễn ra mỗi ngày. Vốn tôi đã tìm hiểu về Wagah trước đó, tôi không mấy gì thích và xem những clip ấy tôi cứ cảm nhận như đang xem 1 vở tuồng, 1 show biểu diễn chẳng hay ho. Vậy nên để kéo tôi được đến đây phải có 1 lý do khác. Và lý do đó là vì Shoukat, một anh chàng người Pakistan. Khi anh biết thông tin tôi đến Ấn Độ, anh đã nài nỉ tôi đến Amritsar, đến Wagah border này để mà có thể nhìn thấy tôi trong hiện thực. Dẫu rằng chẳng thể nói chuyện trực tiếp, chỉ cần nhìn thấy và nở nụ cười là đủ với anh (giống phim tình cảm quá). Lời đề nghị dễ thương như vậy chẳng lẽ tôi lại làm ngơ. Nhưng chỉ tiếc rằng khi tôi đã đến đây, Wagah border này thì Shoukat vẫn không thể nhìn thấy tôi. Bởi vì vừa mới vài ngày trước có 1 vụ đánh bom ở Lahore, Pakistan khiến tình hình an ninh biên giới phức tạp và anh không thể có giấy phép để vùng giáp ranh Wagah - Lahore border ngày tôi đến.
Tuy nhiên, tôi cũng chẳng phải buồn. Vì không khí của buổi lễ rất sôi động, nghe nhạc mà tôi cứ muốn nhún nhảy không thôi. Cả buổi lễ, tôi không ấn tượng mấy với các anh chàng binh sĩ chân dài đá cao quá đầu mà tôi bị hấp dẫn bởi sự cuồng nhiệt, tự hào dân tộc một cách quá khích của những khán giả đến xem. Và trong chuyến viếng thăm Wagah border này, tôi cũng đã kịp bắt quen với một nhóm 3 người phụ nữ Ấn Độ cùng chuyến xe. Cả 3 đều rất niềm nở, giúp đỡ tôi. Và cũng nhờ họ mà tôi có cảm nhận rõ ràng hơn về phụ nữ xứ Ấn, một trong những điều tôi muốn tìm hiểu trong suốt cuộc hành trình này.
Xong buổi lễ, trở về hostel khi trời đã hơn gần 8pm. Một lần nữa tôi lại bỏ bữa tối. Nhưng nhất định sáng mai tôi phải kiếm bằng được một quán thật ngon để thết đãi cái bao tử của mình món Kulcha - Món ăn nổi tiếng nhất ở Amritsar và cả bang Punjab này.
Ngày thứ 3 của cuộc hành trình xứ Ấn tôi tự cho phép mình dậy trễ và lười biếng bởi những nơi tôi muốn đến nhất ở Amritsar bang Punjab này tôi đều đã đến thăm. Tối nay tôi sẽ rời Amritsar trở về New Delhi cho những khám phá mới vậy nên tôi tranh thủ thu dọn hành lý để check out rồi ra phòng sinh hoạt chung ngồi giải quyết các công việc ở Việt Nam. Bỗng chốc Rishabh, người chủ hostel tiến đến bắt chuyện cũng tôi khi thấy tôi đang sử dụng balo máy ảnh National Geographic, anh cũng có 1 cái. Chúng tôi nhanh chóng bắt đầu câu chuyện với niềm đam mê chung là chụp ảnh và dựng phim. Chúng tôi show thiết bị và cho nhau và tôi hướng dẫn anh một vài thủ thuật sử dụng thiết bị để việc quay phim được tốt hơn, điều mà anh đang cố gắng làm để phát triển maketing cho hostel và dịch vụ tour của mình. Khi biết tôi sẽ rời khỏi Amritsar trong tối nay anh khá tiếc nuối, vì anh mong muốn dẫn tôi trải nghiệm 1 ngày tour của anh đến các làng mạc xung quanh Amritsar, những con phố ngõ hẻm di sản của vùng này mà khách du lịch ít biết đến. Tôi cũng khá tiếc nuối, nhưng vé bus đêm tôi đã đặt, và rằng tôi còn 2 chàng trai đang đợi mình ở Delhi. Vì không có nhiều thời gian và biết tôi muốn thử món Kulcha nổi tiếng, Rishabh đề nghị mời tôi đến một quán Kulcha nổi tiếng của dân địa phương chứ không phải dành cho khách du lịch. Bữa ăn rôm rả với những câu chuyện xứ Amritsar, anh kể cho tôi nghe cách họ làm Kulcha, cách ăn kulcha như thế nào... tôi cảm nhận được ở anh một người con tâm huyết và đầy yêu thương với quê hương mình.
Dùng xong bữa sáng, à mà có lẽ nên gọi là bữa trưa vì khi tôi bước ra khỏi quán thì cũng hơn 1 giờ chiều. Hôm nay Amritsar trở về đúng cái thời tiết của hàng ngày, nắng nóng kinh khủng và hanh khô, không còn chút hơi ẩm nào của cơn mưa hôm qua. Nhưng bù lại, tôi có một bầu trời trong xanh để những bức ảnh giàu sức sống hơn.
Sau một vòng dạo quanh Partition Museum và Amritsar Heritage Street nắng nóng và mệt mỏi, trái tim tôi lại mách bảo tôi trở về Golden Temple. Có lẽ chưa một đền thờ đông đúc nào lại có thể đem lại cho tôi sự thanh thản và bình yên như ngôi đền linh thiêng của người đạo Sikh này. Chỉ ngồi ở hàng ba tránh nắng, nghe thứ âm nhạc nhẹ nhàng phát khắp khu vực đền, cảm nhận làn hơi mát từ mặt hồ nước bao quanh ngôi đền thiêng con người tôi tươi tỉnh trở lại. Tôi tiến đến khu vực bếp ăn miễn phí của ngôi đền. Lần này tôi đến không phải để ăn một suất ăn miễn phí nữa, tôi đến để làm tình nguyện cho bếp ăn miễn phí lớn nhất thế giới này. Công việc cũng chỉ đơn giải là ngồi sơ chế rau củ. Vì tôi không tự tin để có thể cán được một chiếc bánh Nann tròn vạnh, việc rửa chén đĩa thì có cả một dây chuyền khép kín phía trong. Mang tiếng là làm tình nguyện nhưng tôi lại được cho ăn nhiều hơn. Chốc chốc một cậu thanh niên mang tới mời tôi dùng các thứ bánh ngọt. Tôi không biết tên nhưng thực sự nó ngọt quá sức ăn của tôi. Thấy tôi không có khả năng ăn hết phần bánh đó, cậu lại mang đến cho tôi một chén Chai, trà sữa của người Ấn để giúp tôi nuốt trôi hết phần bánh đó. Đến xế chiều thì công việc tại bếp ăn cũng gần như hoàn thành. Tôi bước ra khỏi bếp thì các em nhỏ đua nhau đến xin chụp hình chung, chúng kéo tôi xuống thơm vào má, tụi nhỏ tự nhiên và dễ thương hết sức! Một phụ nữ còn niềm nở mời tôi về nhà dùng bữa chiều và uống chai. Khi tôi xin chụp hình bác bảo vệ trong trang phục truyền thống của người Sikh, bác bảo chờ bác một chút, thì ra bác đi kiếm con trai của mình, cũng đang là một người bảo vệ ngôi đền thiêng. Hai cha con cùng đứng tạo dáng cho tôi chụp hình. Chưa ở đâu và chưa một vùng đất mới nào lại đem đến cho tôi sự thân thiện và yêu thương nhiều đến vậy như Amritsar này.
Tôi trở về Hostel lấy balo, trao những cái ôm tạm biệt với Rishabh, với những nhân viên của City on Pedals, với Sarah cô bạn New Zealand thân thiết trong những ngày ngắn ngủi ở Amritsar này... Lòng lâng lâng khó tả, tạm biệt Amritsar nhé!
Tôi đến Delhi vào 5h30 sáng sau cái đập vai của nhân viên nhà xe. Vẫn còn ngơ ngác vì không nhìn thấy bến xe mà chỉ có hàng dài những chiếc Rickshaw bao quanh chiếc xe vừa đến của tôi. Còn mắt nhắm mắt mở vì chưa tỉnh ngủ, tôi bị chiếc Richshaw ấy chém đẹp 150rp cho quãng đường chỉ 350m đến tiệm McDonald gần nhất. Sáng nay một người bạn cũ, Le Tu sẽ ra đón tôi. Tú quan tâm và hỏi han tôi mỗi ngày trong suốt đầu hành trình đến giờ. Hôm nay trở về Delhi, chúng tôi lại có dịp hội ngộ và đi cùng nhau vài chặng trong những ngày tới đây.
Cái nóng ở Delhi không thua kém gì Amritsar, không những vậy còn được bồi thêm bụi mịn trong không khí khiến cái mũi của tôi bắt đầu khó thở. Những ấn tượng đầu tiên về Delhi hơn mất điểm đôi chút. Tuy nhiên, hai con người cũ mà tôi được gặp trong ngày hôm nay khiến Delhi trong mắt tôi có lẽ sẽ đầy kỷ niệm. Là Le Tu, bạn đồng hành trong chuyến Lào, Bắc Thái, sau 2 tháng không gặp chúng tôi đã "Lại được sống...mùa hè ta gặp nhau...". Là Kunal Nakra, cậu bạn nước ngoài thân thiết nhất của tôi. Chúng tôi là cạ cứng của nhau trong những xuất phim khuya trong suốt thời gian Kunal làm việc ở Việt Nam. Hôm nay Kunal đã lái xe hơn 90km từ quê nhà lên Delhi để gặp và chở tôi đi chơi và mời tôi về quê cậu ấy chơi. Sau khi tham quan Hymayun Tomb, Khan Market và India Gate, Tú dẫn chúng tôi đến một nhà hàng của những người bạn gốc Sikkim với những món ăn tuyệt vời, có lẽ là bữa ăn ngon và no say nhất trong những ngày vừa rồi. Trong hành trình này, tôi không có dịp đến vùng Sikkim nhưng nhờ buổi tối hôm nay mà tôi có dịp gặp gỡ và nhìn thấy những gương mặt nhân trắc học mà nếu không được giới thiệu chắc chắc tôi không nghĩ rằng đó là một công dân xứ Ấn.
Cơn mưa lất phất làm cho quãng đường Kunal chở tôi về hostel đầy lãng mạn, chúng tôi có dịp ôn lại những kỷ niệm xưa cũ. Delhi trong mắt tôi không còn nóng bức nữa, Delhi kéo tôi về những ký ức của những buổi hẹn vội vàng trong màn mưa đêm của những ngày xưa cũ. Hơn một năm trước, khi tạm biệt Kunal cái ngày mà tôi đã nghĩ rằng đó sẽ là ngày vĩnh biệt, tôi đã hối tiếc dường nào khi ngại ngùng không trao cho cậu ấy một cái ôm. Vậy nên trong lần tạm biệt này tôi đã trao một cái ôm dài và hứa rằng tôi sẽ còn trở lại để nấu cho cậu ấy món phở gà trên đất Ấn như cách cậu đã từng mời tôi ăn các món Ấn trong suốt thời gian cậu ấy ở Việt Nam.
Hai ngày 5&6 tôi dành thời gian để làm việc, nghỉ ngơi và dạo quanh những ngôi chợ ở Delhi bởi để tìm hiểu văn hoá và phản ánh nhịp sống thường ngày nơi này có lẽ không đâu bằng chợ.
Khan market
Tôi được dịp khám phá rất nhiều bộ mặt khác nhau, phản ánh rõ nét sự phân biệt giàu nghèo. Chúng tôi lần lượt đi qua các khu chợ, khu thương mại dành cho giới giàu đến siêu giàu như Khan Market, Connaught Place. Cho đến những ngôi chợ bình dân hơn dễ dàng mua sắm như Janpath Market, Tibetan martket. Mặc dù biết rằng chỉ mới đầu hành trình và vì đi bụi tôi không được vung tay shopping nhưng dẫu sao cũng là phụ nữ, không kềm lòng được tôi cũng đã mua cho mình 4 cái váy áo với tổng giá chỉ 600rp tương đương 200k. Cho đến Dilli Haat ngôi chợ tổng hợp về các ngành hàng thủ công mỹ nghệ và tập hợp ẩm thực của đủ các vùng miền ở Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng nếu những ai không có quá nhiều thời gian để tìm hiểu và du lịch Ấn Độ thì trước khi rời khỏi Ấn nên đến thăm Dilli Haat. Bởi vì đến đây bạn sẽ thưởng thức đầy đủ ẩm thực từ Nam Ấn đến Đông Bắc Ấn, từ Hindu cho đến Hồi Giáo và sẽ bất ngờ để thấy rằng nước Ấn không chỉ có nhân trắc học của người Hindu mà còn có rất nhiều khuôn mặt vùng miền khác nhau. Từ những khuôn mặt vùng Tây Bắc Ấn, Đông Bắc Ấn, cho đến những người Tây Tạng mà vốn dĩ nếu không được giới thiệu bạn sẽ ngỡ ngàng vì họ mang quốc tịch Ấn. Tôi thật sự bất ngờ khi vào khu Humayunpur uống cafe, tôi cứ có cảm giác mình đang ở Sài Gòn vì những khuôn mặt ấy gần gũi với tộc người Đông Nam Á biết bao. Thậm chí đến tôi cũng bị nhầm là người Ấn khi mua vé tham quan Pháo Đài Đỏ. Vốn dĩ vé tham qua dành cho khách Quốc tế là 600rp, trong khi người dân Ấn chỉ phải trả 50rp. Người soát vé đã đưa vé người bản địa cho tôi trong sự ngỡ ngàng và phấn khích. Có lẽ kiếp trước tôi là gái Ấn thật.
Model đua nhau chụp hình ở Khan Market
Humayunpur
Dilli Haat
Buổi tối hôm đó, tôi mới thực sự tiến vào khu vực nhộn nhịp, đông đúc, phức tạp mà cả 2 ngày trước tôi chưa từng có dịp trải nghiệm phần này của Delhi. Vốn dĩ là đứa sợ đám đông vậy nên nếu không có Tú và Kunal đi cùng hộ tống có lẽ tôi không dám bước chân vào khu chợ ổ chuột ấy trong trời nhá nhem tối. Và cũng vì trời quá tối và phức tạp, tôi cũng không quay chụp gì nhiều.
Cơm chiên trứng, thịt gà, cừu của vùng North East rất dễ ăn và ngon bá cháy
Có lẽ cái nóng và bụi mịn không khí cộng với cái cảm xúc của tối ở Old Delhi là quá sức chịu đựng của tôi. Nguyên ngày cuối cùng ở Delhi tôi chỉ nghỉ ngơi ở hostel, ngồi làm việc và chuẩn bị cho hành trình đến vùng đất mới - Shimla.
Đủ các loại mua về làm quà từ Masala tea cho đến saffron
Mấy ngày vừa rồi ở Delhi cảm xúc của tôi là gì ư? Delhi rộng lớn và được quy hoạnh quy củ. Những lời nhận định Delhi chật hẹp khói bụi, giao thông điên cuồng chắc chỉ tìm thấy ở Old Delhi. Những phần còn lại của Delhi rất dễ chịu. Với tôi Delhi có tất cả mọi thứ của các vùng miền khác nhau ở xứ Ấn này.
Cái duyên đưa tôi đến Shimla trong hành trình này không phải là sự lựa chọn ban đầu. Tôi và Tú muốn đến Spiti Valley nơi mà cảnh sắc đẹp tuyệt vời nhưng người Việt ít đặt chân đến. Có lẽ trước chúng tôi chỉ mới đôi ba người Việt đặt chân đến đây chăng??? Và thường để đến Spiti Valley du khách thường chọn cung đường Manali rồi qua Rohtang Pass. Đây cũng là con đường bộ để lên Ladakh nên sẽ có nhiều sự lựa chọn, dịch vụ tốt, phương tiện di chuyển cũng hiện đại hơn. Tuy nhiên, thời gian này thời tiết trên Ladakh không ổn định, thường xuyên có bão tuyết. Bản thân Rohtang Pass sau khi được mở cửa hồi đầu tháng 5 cũng đã bị đóng cửa trở lại cho đến hết tháng 6 vì tuyết dày, cao ngập 3-4m, các phương tiện không thể di chuyển được. Vậy nên Shimla là phương án phụ, đi đường vòng nhưng chúng tôi bắt buộc phải lựa chọn nếu muốn đến Spiti Valley.
Shimla là thủ phủ của Himachal, cảnh sắc nơi này làm tôi nhớ đến những Sapa, Đà Lạt của Việt Nam. Hôm tôi đến, Shimla đón tôi bằng 1 cơn mưa phùn nhưng lạnh tê tái. Nhìn những người vô gia cư co ro tại nhà chờ xe bus mà lòng xót xa...
Nhân trắc học vùng Shimla này rất khác biệt so với những người Hindu phổ biến của Ấn Độ, sống mũi cao, đôi mắt to tròn nhưng nước da không quá sáng. Tôi và Tú đã tranh thủ xin permits cho việc di chuyển đến Spiti valley có 1 ngày thư thả dạo bộ Shimla trước khi lên chuyến xe bus đêm bão táp đến RecKongPeo.
Để đi đến Spiti Valley từ Shimla, chúng tôi cần dừng chân ở Reckongpeo vì không có xe đi thẳng, xe đi tuyến này cũng chỉ có loại xe tàng tàng của người bản địa. Khi bước lên bus tôi khá choáng ngay từ phút ban đầu vì sự chật chội, vì mùi và vì bao nhiêu con mắt đang hướng về mình. Tú đã bảo vệ tôi bằng việc giành cho tôi chiếc ghế sát cửa sổ rồi Tú kẹp phía ngoài. Cả đêm xe sóc, chỗ ngồi chật hẹp, 2 chị em vật vờ không thể ngủ. Nhưng việc đó chẳng có gì là đáng để nói so với việc bị thất lạc hành lý. Khi đến Reckongpeo, tháo dỡ hành lý trên mui xe thì chúng tôi phát hiện ra hành lý của Tú không còn, cả sáng hôm đó chúng tôi cố gắng làm việc với nhà xe và cảnh sát địa phương trong vô vọng. Khá chán nản với cách làm việc thiếu trách nhiệm của những người liên quan. Chúng tôi sẽ kết thúc hành trình tại đây chăng? KHÔNG! Tốn bao nhiêu công sức để đến được nơi này, và với 1 người kinh nghiệm bụi đường như Tú thì việc thất lạc hành lý như vầy cũng chỉ là 1 trong các vấn đề mà Tú từng trải qua.
Ra khỏi đồn cảnh sát, chợt có 2 bạn người Ấn đến bắt chuyện cùng chúng tôi và rủ chúng tôi share car đến Nako village trong hành trình đến Spiti. Đó là một lời đề nghị tuyệt vời với chúng tôi và nguồn cơn để chúng tôi gặp gỡ quen biết và thân với những bạn solo backpackers khác ở Ấn. Nhưng đó cũng là khởi đầu cho rắc rối về sức khoẻ của tôi trong những ngày tiếp theo.
Cùng nhau trên car đến Nako Village, chúng tôi hỏi han lẫn nhau thì được biết rằng 2 bạn cũng chỉ vừa bắt quen nhau để share Car, đó là cậu trai trẻ 22 tuổi Akin đến từ Kottayam miền Nam Ấn theo đạo Thiên Chúa và cô gái Naina 29 tuổi sống và làm việc tại Delhi theo đạo Hindu và ăn chay trường. Những con người rất vui vẻ và chúng tôi đã share cùng nhau rất nhiều khoảnh khắc trong hành trình Spiti Valley.
Khoảng 3h chiều xe của chúng tôi đã đến được làng Nako thuộc địa phận Spiti valley nhưng khá xa trung tâm của vùng - Kaza. Đêm nay chúng tôi sẽ nghỉ tại đây.
Sau 2 ngày không được tắm rửa, vậy nên bất chấp cái lạnh thấu xương tôi vẫn quyết định phải làm sạch bụi đường khiến da và tóc tôi khô cứng. Trong sự sảng khoái tôi bắt đầu đi dao bộ khám phá ngôi làng với những góc nhìn tuyệt đẹp của những rặng núi tuyết hùng vĩ phía xa xa...
Khi đã có cho mình đôi ba bức ảnh ưng ý thì cũng là lúc tôi cảm nhận sức khoẻ bắt đầu có vấn đề. Choáng váng đầu óc, khó thở, thở dốc, rồi chảy máu... những triệu chứng của việc sốc độ cao xuất hiện. Cả đêm ấy tôi li bì, may rằng Naina bạn cùng phòng đã canh chừng và để ý đến các biểu hiện của tôi.
Lỗi ở đâu mà tôi bị sốc độ cao? Tôi đã mắc 2 sai lầm cơ bản. Một là, đáng ra khi vừa đến Reckongpeo tôi cần uống ngay thuốc chống sốc độ cao. Tôi và Tú cũng cần nghỉ ngơi 1 ngày ở Reckongpeo để làm quen với việc thay đổi độ cao thay vì đi 1 mạch lên độ cao hơn 4000m ở Nako. Nhưng vì khi đến Reckongpeo việc thất lạc hành lý khiến chúng tôi sao nhãng và quên đi việc kiểm soát cơ thể. Hai là, vì quá mệt cho chặng đường dài di chuyển, cả tôi và Tú gần như ngủ suốt hành trình từ Reckongpeo lên Nako. Việc ngủ ngày như thế khiến nhịp thở chậm, không đủ oxy lên não khi ở vùng không khí loãng, và chúng tôi cũng đã không uống nước... Cũng có thể việc tôi bị sốc độ cao cũng được cộng hưởng thêm nguyên nhân từ việc tôi bị thiếu máu, bị viêm xoang từ trước và vì đây là lần đầu tiên tôi đến vùng cao như thế chăng???
Tôi không rõ, nhưng thực sự tôi chỉ tiếc rằng giá như tôi không bị sốc độ cao thì những ngày sau đó của tôi chắc chắn sẽ còn nhiều trải nghiệm đáng nhớ, nhiều hình ảnh đẹp hơn những gì tôi sẽ chia sẻ với các bạn trong bài viết sau về Spiti Valley.
Ngày 9 thức dậy, đầu óc tôi đã có vẻ ổn hơn chút, hôm nay cả 4 chúng tôi sẽ quyết định hitchhike suốt đoạn đường từ Nako về Kaza, giữa chặng sẽ dừng ở Dhankar để tiện thể đến thăm Dhankar Monastery. Phải nói hôm nay là ngày may mắn dành cho chúng tôi. Vì hitchhike cả nhóm 4 đứa đâu phải dễ, vậy mà ngay bến xe Nako một anh tài xế xe tải dễ thương đã đồng ý cho cả bọn đi nhờ. Trong nhóm chỉ có Naina là có thể giao tiếp cùng anh bằng tiếng Hindu. Còn lại tôi, Tú và Akin đành chịu thua và giao tiếp với anh bằng ánh mắt và nụ cười. Ở cái xứ Ấn này có đến hơn 20 ngôn ngữ khác nhau, mặc dù tiếng Hindu là rộng rãi nhưng cũng không hiếm trường hợp cùng là người Ấn nhưng không thể giao tiếp cùng nhau nếu không biết tiếng Anh.
Chiếc xe tải leo đèo cứ chầm chậm thẳng tiến. Anh tài xế quả là tay lái điệu nghệ và rất thông thuộc cung đường này. Xe to, chở nặng, đường thì nhỏ và ngoằn nghèo nhưng anh không hề mắc sai lầm 1 ly nào. Tôi rất thiện cảm và chụp hình anh khá nhiều, nhưng 1 phút tắc trách tôi đã xoá hết những bộ ảnh trên cung đường này trong sự tiếc nuối ngơ ngẩn.
Khoảng gần trưa chiếc xe tải màu mè của anh đã đưa chúng tôi đến chân núi Dhankar, kết thúc đoạn đường đi nhờ cùng anh. Tuy nhiên, để lên được Dhankar Monastery chúng tôi cần tiếp tục hitchhike vì tu viện này nằm trên đỉnh núi. Lần này chúng tôi chia thành 2 nhóm để xin đi nhờ vì đa số xe lên núi là xe nhỏ không thể chở hết chúng tôi. Những người dân vùng núi này rất dễ thương và thân thiện. Họ giúp đỡ ngay khi chúng tôi nhờ vả. Lên được đỉnh núi, chúng tôi bất ngờ với không khí nhộn nhịp và đông đúc tại nơi đây. Thì ra hôm nay là ngày kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời nên mọi tu viện xứ này đều nhộn nhịp. Ở sân chính của tu viện, các hoạt động kỷ niệm, diễn lại các tích về Phật và các tiết mục văn nghệ được trình diễn và có cả các nhân vật chức sắc trong vùng cùng tham dự. Buổi trưa hôm ấy tu viện cung cấp suất ăn miễn phí cho tất cả mọi người đến đây bất kể du khách hay dân địa phương. Vùng Dhankar này rất đẹp và rộng tôi rất muốn thăm thú khắp nơi và dành nhiều thời gian để tìm hiểu nhưng việc lên trên đỉnh núi khiến các triệu chứng sốc độ cao của tôi tiếp tục nặng hơn. Tôi không thể ăn được gì vì cảm giác buồn nôn. Đi được đôi ba bước cũng là quá sức với việc hô hấp. Vì vậy tôi đành nhìn 3 bạn đồng hành băng băng đi thăm thú và tận hưởng bữa ăn chay miễn phí trong khi tôi chỉ có thể ngồi yên một chỗ ngắm đất trời và cố gắng hít thở thật đều.
3 giờ chiều, chúng tôi rời Dhankar để đến Kaza, thị trấn trung tâm của toàn vùng Spiti Valley này. Chúng tôi xin nhờ được một xe bán tải để xuống núi và họ đưa chúng tôi một đoạn đến trạm chuyển tiếp để có thể xin đi nhờ xe khác. 4 đứa ngồi ở phía sau xe bán tải ở vùng đồi núi này như được chơi trò nhảy lò xo, nhảy trống, chốc chốc người cứ được bay lên cao cả mét. Cũng may tôi không ăn gì nếu không chắc tôi sẽ cho mọi thứ ra khỏi bao tử. Vừa đến trạm chuyển thì 1 chiếc khác với 2 chàng trai trẻ thân thiện sẵn sàng cho cả 4 chúng tôi đi nhờ đến Kaza luôn. Quả là 1 ngày may mắn với với những con người tốt bụng. Hostel nơi chúng tôi trú ngụ khá lạnh lẽo và không tiện nghi nhưng kiến trúc và decor rất dễ thương và có phong cách bản địa rõ ràng, điều làm tôi có thiện cảm và muốn nghỉ lại dù giá cả không phải là tốt.
6h30 hôm sau, vén rèm cửa sổ đón những tia nắng đầu tiên đã xuyên qua rặng núi tôi thấy lòng nhẹ nhõn. Lôi được 2 cục máu đông ra khỏi mũi đã khiến tôi dễ thở hơn hẳn và nghĩ rằng hôm nay tôi đã bắt đầu thích nghi được độ cao để khám phá toàn vùng. Sau 1 ngày không ăn, sáng nay tôi hào hứng gọi cho mình 1 tô mỳ gà Thurkpa để lấy năng lượng. Tuy nhiên, ăn được vài miếng thì cơn buồn nôn lại trực trào nên các bạn cún được hưởng trọn tô mỳ nóng hổi của tôi.
Sáng nay, tôi và Tú sẽ thăm thú toàn vùng bằng moto, cái điều mà chắc bất kỳ phượt thủ nào cũng đều mong muốn cho mình một chuyến đi trong đời. Điểm đến đầu tiên là Langsa, nơi có tượng Phật ngồi được xem như một trong những biểu tượng của vùng này. Ở Langsa chúng tôi gặp thêm rất nhiều phượt phủ Ấn Độ khác, trò chuyện, chụp hình vui vẻ khiến tinh thần tôi phấn chấn và quên đi cơn mệt mỏi.
Điểm đến tiếp theo là làng Hikkim nơi toạ lạc của bưu điện cao nhất thế giới. Rất nhiều người đến Spiti Valley này chỉ với mục đích thăm bưu điện và gởi postcard về cho người thân. Tôi cũng thế, tôi đã mua một vài postcard cho mình nhưng tôi không gởi mà sẽ trực tiếp cầm về cho người ấy vì rất nhiều lần trong các hành trình của tôi, tôi đã gởi postcard về Việt Nam nhưng hầu hết đều thất lạc. Việc lên độ cao cao hơn, không khí loãng hơn khiến sức khoẻ của tôi giảm một cách trầm trọng. Vậy nên các điểm đến còn lại của ngày hôm đó là Komic - Ngôi làng cao nhất thế giới và Ki Monastery tu viện cổ ngàn năm nổi tiếng của toàn vùng này tôi không có được nhiều cảm nhận, lúc đó với tôi chỉ là làm sao giữ cho mình đầu óc không mụ mẫm và an toàn trở về thị trấn Kaza. Thậm chí khi ở Ki Monastery nếu không có trà gừng và bánh mà nhà bếp của tu viện đưa cho chắc tôi sẽ dễ dàng gục ngã.
Tôi tiếc rằng hành trình Spiti Valley của tôi quá ngắn ngủi, vốn tôi là con trâu lì lợm nên việc yếu đuối thế này làm tôi khó chịu với chính bản thân vô cùng. Ngày mai tôi phải xuống núi để đảm bảo an toàn cho bản thân khi còn dang dở để lại những Pin Valley, Lossar… chưa được khám phá.
Đôi khi có những quyết định khó khăn và không mong muốn nhưng bạn cần phải quyết định vì đường còn dài phía trước và bạn còn có trách nhiệm đi để trở về…
Theo Bui Viet Ha (facebook.com/bui.vietha.3)
>>> Xem thêm: TRẢI NGHIỆM CHÈO KAYAK HẤP DẪN KHI TỚI PHONG NHA
Xin hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn tại đây
SẢN PHẨM CÓ BẢO HÀNH
ĐỔI HÀNG TRONG 7 NGÀY
GIAO HÀNG NHANH
© Copyright 2022 by Umove.com.vn