0904 906 848

09:00 - 21:00

0243 771 3305

09:00 - 21:00

Nhật ký xứ Ấn từ Travel blogger Bùi Việt Hà (phần 2)

11:33 09/07/2019 - Lượt xem: 52

DAY 11-12-13: Về Delhi dưỡng sức thôi nào! - Akin, Mayank những chàng trai Ấn tốt bụng và nồng nhiệt

Hành trình Spiti Valley của tôi quá ngắn ngủi. Thật ra thì tôi có 2 lựa chọn. Một là cứ ở hostel lại thêm vài ngày, không đi đâu cả, chờ cho cơ thể bớt mệt rồi khám phá tiếp Spiti Valley. Nhưng nếu chọn cách này thì hành trình sau đó trở về Delhi tôi sẽ phải tự đi 1 mình vì Tú sẽ không trở về Delhi mà men theo đường khác đến Amritsar. Nhỡ như sức khoẻ tôi vẫn không được cải thiện thì đường về sẽ đầy bất trắc khi mà phải ngồi xe bus địa phương 2 ngày mà quan trọng là tôi sẽ không đủ sức để tự vác cái balo 70L kia lên xuống nóc xe. Vậy nên, tôi đành chọn cách thứ 2 là xuống núi cùng nhóm của Akin, Naina và thêm 2 bạn phượt thủ khác vừa quen trong 2 ngày ở Kaza. Và thật sự đây là quyết định đúng đắn!

Mất hơn 1 ngày trời ngồi xe xuyên suốt không nghỉ từ Kaza rồi Reckongpeo chúng tôi về đến được Shimla. Từ đây chúng tôi chia tay Naina vì cô ấy sẽ về thăm quê nhà trước khi trở lại Delhi làm việc. Và cũng vì thế tôi có thêm thời gian trò chuyện với Mayank, chàng trai trẻ đã cùng với Akin chăm sóc tôi suốt chặng đường trở về Delhi. Hai chàng trai này khuân hết tất cả hành lý giúp tôi mỗi khi xe dừng, đổi chặng. Tranh đấu giành giật giúp tôi chỗ ngồi tốt nhất có thể, bảo vệ tôi khỏi đám thanh niên với cái nhìn muốn ăn tươi nuốt sống.

Nói thêm đôi chút về Akin và Mayank, cả 2 đều 22 tuổi đang là sinh viên và trong kỳ nghỉ hè 2 tháng như bao sinh viên học sinh Ấn Độ khác. Cả 2 cùng có sở thích du lịch bụi và nhờ duyên nào đấy chúng tôi đã gặp nhau trong hành trình Spiti Valley rồi trở nên thân nhau và giúp đỡ lẫn nhau sau ít ngày ngắn ngủi (mà thực ra chủ yếu là họ giúp đỡ tôi) Thậm chí, ngay cả khi đã về Delhi, Akin vẫn tiếp tục ở lại cùng tôi thêm 1 ngày nữa rồi mới bay về quê nhà Kottayam miền Nam Ấn. Còn Mayank cũng dành trọn ngày sau đó để dẫn tôi và Akin đi thăm Delhi. Đi ra đường với 2 bạn trẻ này cảm thấy an tâm vô cùng vì 1 đi trước, 1 đi sau kẹp tôi ở giữa để trông chừng khiến tôi cứ cảm tưởng 2 bạn này là mama trong khi tuổi của tôi cộng thêm ít con số nữa chắc cũng ngang bằng tuổi với mẹ của họ. 

Chúng tôi đã đến Lotus Temple, một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng kiến trúc sư Fariborz Sahba được xây dựng vào năm 1986. Đây là công trình nổi tiếng trong giới kiến trúc không những bởi sự độc đáo của kết cấu vào thời điểm xây dựng mà những hiệu quả về ánh sáng và thông gió tự nhiên cũng rất hoàn hảo. Thời điểm tôi đến thăm, nhiệt độ ngoài trời là 44 độ C tuy nhiên bên trong ngôi đền vô cùng mát mẻ với những làn gió nhẹ rất dễ chịu. Đây là một công trình dành cho mọi người thuộc mọi tôn giáo khác nhau có thể tụ họp và cầu nguyện. Công trình này rất tôn nghiêm và không cho phép sự chụp hình quay phim nào, đây quả là điều đáng tiếc với một kiến trúc sư có niềm đam mê về Passive Design như tôi.

Thời gian còn lại của ngày, Mayank dẫn chúng tôi một vòng Old Delhi khám phá street food. Lần này, được đúng dân gốc Delhi dẫn đi nên chúng tôi đã đến những quán ăn nổi tiếng nhất, lâu đời nhất ở khu chợ Old Dehli này. Tuy nhiên, vì Mayank theo đạo Hindu ăn chay trường, nên các quán bạn ấy dẫn đến đều là đồ chay và vốn người tôi vẫn không được khoẻ nên tôi cũng không có ấn tượng lắm với những món ẩm thực này, chủ yếu là tôi làm phó nháy cho 2 bạn trẻ ăn thôi.

Sau hôm nay tôi phải xa Akin rồi, Akin sẽ về quê nhà còn tôi sẽ tiếp tục hành trình đến Agra. Tôi đã rất vui khi nhìn thấy sự háo hức và thích thú của Akin khi tôi tặng cậu ấy gói cá cơm kho tiêu mà tôi đem từ Việt Nam sang như một lời cảm ơn. Và dường như vẫn chưa hết lo lắng cho tôi nên 2 chàng trai trẻ bàn nhau thế nào mà họ không để tôi đi Arga một mình, Mayank sẽ đi cùng tôi. Không những vậy, chuyến đi Agra này tôi lại có thêm 1 chàng trai trẻ khác hộ tống đi cùng, một người bạn mới...

Đôi khi tôi thấy mình may mắn hết mức, tại sao trong lúc khó khăn, lúc sức khoẻ không tốt thì tôi luôn có người giúp đỡ tôi tận tình thế này. Hai bạn trẻ này chăm sóc bà chị vô điều kiện và rất hết lòng. Được quen biết và làm bạn với họ trong hành trình này có lẽ là sự may mắn và hạnh phúc nhất của tôi.

DAY 14&15: AGRA và 2 mảng tối sáng

Agra là thành phố nơi toạ lạc của cái công trình mà khi nhắc về Ấn Độ mọi người thường nghĩ ngay đến - Taj Mahal. Sau hơn 2 giờ đồng hồ trên tàu từ Delhi chúng tôi đã đến Agra dưới cái nóng chảy mỡ 43 độ vào buổi trưa. Cùng đi Agra với tôi là Mayank và 1 chàng trai 22 tuổi khác, Anubhav, bạn học cùng lớp của Mayank.

Vì ngồi tàu hoả rất êm, không hề mệt mỏi nên sau khi nhận phòng hostel chúng tôi lên đường ngay để thăm thú các công trình nổi tiếng tại Agra này. Đầu tiên là Arga Fort, Di sản văn hoá thế giới UNESCO. Đối với du khách quốc tế thì cần bỏ ra 600rp để được vào tham quan, còn dân Ấn thì chỉ cần 50rp thôi. Tuy nhiên tôi thấy rằng số tiền này rất xứng đáng so với 600rp vé vào tham quan Red Fort ở Delhi và 1300rp mà tôi đã chi trả cho việc vào tham quan Taj Mahaj vào cuối chiều hôm đó. Nói vậy đủ biết tôi thích nơi này cỡ nào dù rằng thời điểm tôi đến thăm là giữa trưa nắng nóng đã phần nào giảm bớt nhiệt huyết chân đi của tôi. Người cho xây dựng công trình hoành tráng này là Akbar Đại đế của vương triều Mogul cuối thế kỷ 16. Vật liệu xây dựng và hoàn thiện chủ yếu của công trình là đá cát đỏ và cẩm thạch trắng. Nhưng phải đến thời của Shah Jahan ( Cháu của Akbar) thì công trình này mới có được sự hoành tráng, hoàn thiện và thẩm mỹ như hiện tại. Lang thang trong pháo đài đẹp như cung điện này tôi đã có cho mình rất nhiều bức ảnh ưng ý.

Ra khỏi Pháo đài cũng hơn 3 giờ chiều, tôi hớn hở sẽ đến thăm Taj Mahaj luôn nhưng mọi chuyện không suôn sẻ như vậy.. Vừa bước ra khỏi cổng pháo đài thì có khá nhiều nài ngựa đến tiếp cận 2 cậu bạn tôi trong khi tôi vẫn còn đang mải mê chụp hình. Vì giá xe ngựa rất rẻ nên cả 2 hào hứng đồng ý với chặng đường từ Agra Fort sang Taj Mahaj cách đó 2,5km chỉ với giá 50rp cho cả nhóm. Tôi miễn cưỡng bước lên xe vì không muốn làm khó xử cho 2 người bạn nhưng cũng rất không thoải mái khi nhìn thấy chú ngựa tôi nghiệp phải chở 5 con người dưới cái nóng khủng khiếp và phải hoà cùng dòng xe cộ náo loạn vốn không có trật tự khuôn phép tại Ấn Độ. Không gì là miễn phí, không gì là tự nhiên rẻ. Vốn dĩ 2 người nài ngựa lấy giá rẻ là bởi họ mồi chài chở khách qua các cửa hàng vật phẩm lưu niệm, các tiệm quần áo, vải thảm... để lấy tiền cò mồi. Vốn đã có kinh nghiệm, tôi nhìn ra ngay vấn đề này từ lúc vừa bước lên xe tuy nhiên ráng kiên nhẫn vì không muốn làm 2 bạn đồng hành khó xử.

Hai người nài ngựa ấy chỉ thả cho chúng tôi đến được Taj Mahaj khi đã hơn 5h30 chiều sau khi Mayank đã mua một ít đồ lưu niệm. Vậy nên có lẽ một phần tâm trạng không tốt cũng ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi dành cho Taj Mahaj khi mà tôi tiến vào trong đền thì những tia nắng cuối cùng của ngày cũng dần tắt. Tôi không có quá nhiều thời gian để thăm thú, để tìm hiểu và cảm nhận nơi đây. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng dù có đầy đủ thời gian thì Arga Fort vẫn để lại trong tôi cảm xúc nhiều hơn Taj Mahaj này. 

Một tip nho nhỏ cho các bạn khi đến thăm Taj Mahaj:

- Một là không nên mang quá nhiều đồ đạc.Tốt nhất chỉ mang theo điện thoại, máy ảnh. Vì tất cả những thứ khác đều phải gởi đồ. Tripod không được phép sử dụng. Cảnh sát rất nghiêm ngặt, đôi khi làm mình phát cáu. Vốn tôi mang theo gopro có chụp sẵn cái case và 1 cái máy ghi âm sony TX650. Vậy mà cứ vặn vẹo mãi hỏi cái case đó có phải tripod không? rồi cái máy này là cái gì? cầm 2 thứ đến cả 10 phút rồi mới cho vào.

- Hai là để đi đến cổng mua vé vào Taj Mahaj phải đi bộ 1 đoạn. Sẽ có khá nhiều Auto rickshaw tiếp cận bạn để đề nghị chở vào trong vì đường đi vào rất dài và xa. Đừng tin lời ho, đi chút là tới thôi, cuốc bộ tầm 300m đâu là gì với những phượt thủ phải không??? Và cũng sẽ có rất nhiều trẻ nhỏ đề nghị mua bao trùm giày vì để đi vào trong tham quan thì phải tháo giày hoặc giùm giày lại. Tụi trẻ nói rằng bên trong kia bán 200rp cho 1 bộ còn tụi nó chỉ bán 20rp thôi. Nhưng bạn đừng mua. Vì giá vé giành cho du khách quốc tế vào thăm Taj Mahaj là 1300rp đã bao gồm 1 chai nước lạnh và 1 bộ trùm giày. Nhưng dù rằng họ có bonus thêm vậy thì tôi cũng chẳng vui lắm nếu biết rằng vé vào cổng của dân Ấn chỉ có 50rp. Không tiếc tiền bỏ ra để được tham quan 1 công trình kiến trúc hoành tráng nhưng có lẽ việc chênh lệch tiền vé một cách quá đáng có lẽ là điều khiến mọi du khách nước ngoài cảm thấy không thoải mái, nhưng âu đó cũng là 1 điều để cảm nhận rõ hơn về những vấn đề nội tại của nước Ấn.

Sáng hôm sau, chúng tôi đến thăm Baby Taj, và view nhìn mặt sau của Taj Mahaj từ bên kia sông. Cả hai nơi này đều có giá vé vào cổng là 300rp. Nhưng sáng hôm đó điều để lại ấn tượng cho tôi không phải là những công trình kiến trúc hoành tránh nữa mà là cuộc sống thời hiện tại của những người dân nơi đây.

Để đi đến được Taj Mahaj View Point thì chúng tôi cần đi qua 1 cây cầu sắt và 1 ngôi làng ổ chuột của người dân dưới chân cầu. Và đây cũng là lúc tôi có những cảm xúc khác dành cho Agra. Có lẽ cuộc sống của toàn bộ người dân nơi đây dự vào sức hút du lịch của những công trình hoành tráng trong những giai đoạn lịch sử trước khi Agra đã từng là cố đô. Còn cuộc sống hiện tại của đại đa số người dân thời hiện tại là nhếch nhác trong các khu ổ chuột. Sau khi thăm quan các công trình hoành tráng ấy, tôi đã không ngần ngại yêu cầu người tài xế dừng xe dưới chân cầu để tôi có thể cuốc bộ và thâm nhập vào nhịp sống hàng ngày của người dân. ở nơi đó, dưới cái lòng sông gần cạn nước của mùa khô nắng nóng là sự tranh chấp của những đàn trâu ngâm mình giải nhiệt, là những người dân đang làm công việc giặt giũ trên sông. Quần áo và những tấm vải họ gặt xong được phơi ngay trên những bãi cỏ ven triền sông vốn là nơi tòn tại la liệt của đủ loại rác thải... Tôi còn thấy nhiều hình ảnh ám ảnh và ô nhiễm hơn thế nhưng tôi không thể đưa vào khung bài viết này bởi lẽ tôi không muốn bài viết này trở thành bài ký sự về môi trường.

Đối với tôi Agra là thành phố ngủ quên trong những hào nhoáng xa hoa quá khứ. Là thành phố mà mọi khách đến thăm Ấn Độ đều nên đặt chân đến, không phải chỉ để nhìn ngắm công trình biểu tượng Taj Mahaj mà còn để cảm nhận những vấn đề nội tại của quốc gia đạm đà bản sắc và giá trị truyền thống này.

DAY 16-17-18: Sống chậm cùng Varanasi

Cùng với Haridward, Varanasi là một trong những thành phố linh thiêng nhất của những tín đồ Hindu Giáo. Nơi mà mọi tín đồ Hindu đều muốn ít nhất được một lần tắm trong dòng sông Hằng linh thiêng nơi đây. Và khi chết đi, niềm mong ước trong đời cũng là được hoả táng và rải tro cốt xuống dòng sông Hằng từ đây. Nếu không phải là tín đồ Hindu Giáo thì Varanasi cũng rất đáng để đến thăm vì đây là thành phố cổ nhất mà có con người sinh sống xuyên suốt từ hơn 5000 năm nay. Và Varanasi cũng là vùng đất linh thiêng của những người Phật Giáo, là một trong Tứ thánh địa của Phật giáo với vườn Lộc Uyển Sarnath nơi Đức Phật Thích Ca thuyết bài Pháp đầu tiên sau khi thành đạo. 

Tôi đến Varanasi trong một chút lo lắng với những lời đồn về một thành phố dữ, bẩn thỉu, chật hẹp và vô cùng nhiều những kẻ lừa đảo; và trong tình trạng thể chất tệ nhất từ đầu hành trình vì cả 2 ngày trước ở Arga dưới cái nắng 43-44 độ C tôi không ăn bất cứ gì ngoài uống nước vì quá mệt mỏi. Việc chỉ có 1 mình ở Varanasi mang lại cho tôi cảm giác "muốn làm gì thì làm" Nên tôi chọn cách đối xử tốt đẹp hơn với bản thân. Sống chậm, đi ít, ăn no ngủ kỹ. Đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc hành trình tôi cho phép mình ở phòng riêng với giá 900rp/đêm và ăn những suất ăn 250rp/phần. 

Sau ngày đầu tiên ngủ say như chết, 4h sáng hôm sau tôi đã có mặt trên dòng sông Hằng để tham quan cả bến sông nơi đây bằng thuyền với giá 350rp. Và đây cũng là điều tôi khuyến khích các bạn nên đi. Vì nhìn toàn cảnh các bến sông nới đây với view nhìn dưới thuyền đầy sinh động và cho cái nhìn toàn cảnh. Cũng như những cái nhìn chi tiết và chắc chắn nếu chỉ đi dạo trên bờ chúng ta sẽ không cảm nhận hết.

Sông Hằng vốn là nơi hoạt động tâm linh và linh thiêng của người Hindu, từ tờ mờ sáng đã rất nhiều người đến đây để cầu nguyện và trầm mình xuống dòng sông thiêng. Nơi đây cũng có rất nhiều lò thiêu lộ thiên. Hàng ngày chỉ riêng bãi hoả thiêu gần Dasawamedh Ghat có khoảng hơn 300 thi thể được hoả thiêu xuyên suốt từ sáng sớm đến khuya. Mỗi ca thiêu xác thông thường kéo dài 4 tiếng. Những thi thể này không phải chỉ của dân trong vùng mà họ là những gia đình có tiền, giàu có, tập kết từ nhiều vùng khác nhau đến nơi này hoả thiêu với hy vọng sớm được siêu thoát nơi dòng sông thiêng. 

Việc tiếp cận và chụp hình của du khách là không được cho phép. Thậm chí cả phụ nữ cũng không được đặt chân vào khu vực các bãi thiêu này. Vậy nên để quan sát và tìm hiểu thì cách duy nhất là sử dụng thuyền. Ở đó, tôi có thể thấy bên cạnh bãi hoả thiêu thì xung quanh người ta vẫn vô tư tắm, những chú bò thì tiếp cận đến cạnh giàn thiêu để ăn những bánh trái, hoa, vật phẩm cúng còn xót lại bên cạnh giàn thiêu, thậm chí ngay dưới bến sông đó những người ngư dân vẫn chăm chỉ quăng chài lưới đánh bắt cá. Thề rằng dẫu cả tháng nay gần như tôi ăn chay, nhưng giờ có bày cá ra trước mặt tôi cũng không dám ăn.

Varanasi cũng nổi tiếng với các Holy River Ganga Ceremony diễn ra vào bình minh và hoàng hôn mỗi ngày trên các Ghat. Ở Varanasia này có hàng chục Ghat- Nơi mà những vua chúa, những người giàu có của nhiều thế kỷ trước đã xây dựng cho riêng mình như để xí phần tiếp cận và dễ bề cầu nguyện mỗi ngày trên dòng sông thiêng. Có rất nhiều Holy River Ganga Ceremony diễn ra mỗi ngày ở các Ghat, tuy nhiên nổi tiếng linh thiêng và đông đảo tín đồ Hindu tập trung nhất là ở Dasawamedh Ghat. Tôi cũng đã dành cả 2 tối của mình ở Varanasi để xem buổi lễ ở Dasawamedh Ghat một phần có lẽ vì nơi đây tôi tìm hiểu và quan sát dễ dàng nhất không khí buổi lễ, tinh thần của những người Hindu và chắc cũng có một phần không nhỏ vì 7 thầy tế lễ quá đẹp trai, xuất sắc hơn mấy thầy ở các Ghat còn lại với râu xồm xoàm và cái bụng to đặc trưng của người Ấn.

Không biết vì sau 3 ngày nghỉ ngơi hay do những trải nghiệm nhẹ nhàng và đầy bản sắc văn hoá tại Varanasi mà tinh thần và thể chất của tôi tốt hơn hẳn cho hành trình dài và nóng bỏng với những miền sa mạc sau đó... Varanasi để lại trong tôi rất nhiều cảm nhận về thành phố an toàn, dẫu rằng vẫn còn chút ít scammers, ăn xin, Naga Sahdu giả mạo.. nhưng họ không quá gây phiền hà cho tôi. Dòng sông cũng sạch sẽ và trong xanh không có rác như những lời đồn trước đó mà tôi đã từng nghe... Cùng với Amritsar, Varanasia là một trong những điểm đến để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất về văn hoá, tinh thần và con người Ấn Độ.

DAY 19&20: Jaipur - Thành phố màu Hồng - The Land of Kings

Sau 3 ngày dưỡng sức ở Varanasi tôi lại quẩy balo tiến đến vùng đất của những ông hoàng, những toà lâu đài, pháo đài cổ kính của bang Rajasthan, nơi mà người ta thường lấy bối cảnh các cung điện nguy nga trong các phim bom tấn Bollywood. Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình Rajasthan của tôi là Jaipur, trung tâm của toàn vùng. Jaipur nằm trong tam giác du lịch Delhi-Agra-Jaipur, nơi mà những khách du lịch ngắn ngày thường lựa chọn cho mình hành trình này. Nói như vậy để thấy rằng Jaipur cũng là điểm đến không thể thiếu trong hành trình tìm hiểu xứ Ấn của tôi. 

Sau chuyến xe bus đêm tôi đến Jaipur vào buổi trưa oi ả đặc trưng của cái xứ sa mạc này. Đồng hành cùng tôi là Hieu Michael, một người bạn cũng đang một mình lang thang xứ Ấn, và hành trình khám phá Ấn Độ của chúng tôi giao nhau tại vùng Rajasthan này. Có bạn đồng hành khiến tôi an tâm và thoải mái hơn hẳn để khám phá trọn Jaipur từ mờ sớm cho đến tối đêm. 

Jaipur nổi tiếng với những pháo đài cổ kính hoành tráng như Amber Fort, Aigarh Fort, Nahargarh Fort hay những Jal Mahal- cung điện nằm giữa hồ Man Sagar, Hawa Mahal - cung điện với lối kiến trúc nghìn cửa được xây dựng vào năm 1798 bởi hoàng đế Maharaja Sawai Pratap Singh... Tuy nhiên đối với tôi, chẳng cần phải bước chân vào bất cứ cung điện pháo đài nào, chỉ cần dạo bộ phố phường Jaipur và đưa máy lên chụp thì tại bất cứ đâu tôi cũng có thể có những shot hình ưng ý. 

Vốn sẽ còn quay lại đây vào cuối hành trình nên 2 ngày này ở Jaipur tôi ít chụp ảnh hơn, tự cho mình cơ hội thử làm mẫu ảnh trải nghiệm Canon 6d của Hieu Michael cũng như để chúng tôi có thể làm quen lẫn nhau cho những ngày sắp tới đi sâu vào sa mạc.

Jaipur trong tôi là một thành phố vừa mang những giá trị truyền thống và kiến trúc cổ kính, vừa khoác lên mình lớp áo văn minh và hiện đại. Có lẽ Jaipur là thành phố khiến tôi cảm nhận sự an toàn và sạch sẽ nhất trong tất cả các thành phố mà dấu chân tôi từng đi qua trên đất Ấn. Vậy nên tôi nghĩ rằng mình thật may mắn khi đặt vé máy bay chiều về Việt Nam tại thành phố này để mà tôi có cơ hội quay lại đây một lần nữa, để mà mong rằng đó cũng là một cái kết cảm xúc tốt đẹp cho cả hành trình Ấn Độ của tôi.

Theo Bui Viet Ha (facebook.com/bui.vietha.3)

>>> Xem thêm: NHẬT KÝ XỨ ẤN TỪ TRAVEL BLOGGER BÙI VIỆT HÀ (PHẦN 1)

 

Thong ke

Bạn có hài lòng với sản phẩm và dịch vụ của Umove không?

Xin hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn tại đây