0904 906 848

09:00 - 21:00

0243 771 3305

09:00 - 21:00

Nỗi Sợ Khi Bơi Biển

09:42 14/10/2022 - Lượt xem: 19

Nỗi sợ khi bơi biển là nỗi sợ thường gặp và là rào cản chủ yếu khiến nhiều người không thể học bơi được. Là dân mê xê dịch thì đừng để những nỗi sợ vô hình này cản bước đôi chân bạn. Cùng Umove tìm hiểu để khắc phục nỗi sợ khi bơi biển này nhé.

Bơi biển (open water swimming) là gì?

Hiểu đơn giản, bơi biển (open water swimming) là một thuật ngữ môn thể thao bơi lội có địa điểm bơi là những khu vực nước tự nhiên, rộng mở, không giới hạn như sông, suối, hồ, biển chứ không phải bơi trong bể có giới hạn về mặt diện tích như bạn vẫn thường trải nghiệm.

Ảnh: @luky.life

Mang tính chất của một bộ môn thể thao tương đối mạo hiểm, bơi biển đem lại cho người chơi nhiều cảm xúc mạnh và “đã” đời. Có người rợn mình trước những con sóng lớn hay hãi hùng khi thấy đáy biển sâu thăm thẳm nhưng cũng có những người lại bật cười khanh khách, thích thú với trải nghiệm hòa mình vào dòng nước mát lạnh của biển khơi.  

Tựu chung lại, bạn muốn làm chủ được bơi biển thì tinh thần bạn trước hết phải thoải mái và tìm thấy niềm yêu thích với môi trường tự nhiên. Hầu hết qua những cuộc khảo sát về nỗi sợ bơi biển thì 80% người tham gia cho rằng họ sợ vì họ “không biết” và “không thể kiểm soát” những tình huống sẽ xảy ra. Ẩn sâu trong những nỗi sợ “không biết” và “không thể kiểm soát” này thực chất là nỗi sợ về không gian đại dương vô tận và nỗi sợ về độ sâu không thể lường trước.

Nỗi sợ khi bơi biển

Sợ không gian đại dương 

Không gian đại dương vô tận dễ khiến bạn buông bỏ những mối tơ vò trong lòng nhưng cũng dễ khiến bạn trăn trở, suy nghĩ khi bắt đầu hành trình chinh phục. Trong một không gian rộng lớn mà bạn chẳng thể nhìn thấu thì vật cản tâm lý lớn nhất là những suy nghĩ, những nỗi sợ do chính bản thân bạn tạo nên. Trí tưởng tượng của con người lại vô cùng phong phú, bạn luôn tưởng tượng ra những khung cảnh bị ảnh hưởng một phần từ bộ phim kinh dị bạn từng xem như: quái vật khổng lồ dưới biển.

Ảnh: @strangercollective

Đôi khi nỗi sợ xuất phát từ sự hoang dã của tự nhiên nếu bạn không đủ bản lĩnh. Bạn e ngại với những sinh vật tự nhiên không mấy quen thuộc, bạn lạ lẫm với một môi trường mới. Vậy nên trước khi quyết định bơi bạn nên tìm hiểu kỹ về địa điểm bơi và mức độ an toàn trong từng thời điểm. Khi đối mặt với những nỗi sợ đó, bạn hãy hít thở thật sâu và trấn an bản thân bằng những suy nghĩ tích cực. Hơn hết cách tốt nhất là có thật nhiều bạn đồng hành để hỗ trợ bạn.

Sợ độ sâu

Bạn đừng coi thường nỗi sợ này bởi có nhiều người thành thạo bơi bể sâu 2m, họ có thể bơi vài km, vài giờ đồng hồ nhưng khi đặt trong một không gian như biển hay sông hồ cũng cùng độ sâu thì họ “đứng hình” không thể bơi ra được. Nguyên nhân được các chuyên gia lý giải rằng con người thường sợ những thứ mà họ không nhìn thấy được. Ở đây bạn không thấy đáy sông cũng không thấy đáy biển và cũng chẳng biết nơi này sâu bao nhiêu và cảm giác lo âu sợ bị hút xuống dần xuất hiện. 

Tất nhiên, mỗi cá thể chúng ta sẽ hình thành mỗi nỗi sợ khác nhau nhưng chung quy lại là nỗi sợ “chết”. Triệu chứng phổ biến là lo lắng, thở gấp, bồn chồn, tim đập nhanh và đầu óc trở nên không tỉnh táo.

Để vượt qua nỗi sợ này, đầu tiên bạn cần xác định nỗi sợ của bản thân và chấp nhận nó, sau đó coi nó là một điều bình thường mà bạn chắc chắn sẽ vượt qua. Bạn sẽ mất một khoảng thời gian khá dài để biến nó trở thành thói quen trong tư tưởng nhưng là cách hiệu quả nhất và đúng đắn nhất.

Cải thiện nỗi sợ bơi biển

Bạn không nên gò ép bản thân nhanh chóng khắc phục nỗi sợ trong một khoảng thời gian ngắn mà quá trình này nên diễn ra từ từ và từng bước nhỏ một. Thực hiện như vậy vừa là giúp bản thân làm quen vừa là tránh bị sốc nhiệt tâm lý.

Ảnh: @swimtogether_pt

Bạn nên làm theo từng bước như sau:

- Hãy tập đứng nước một cách thuần thục và nhuần nhuyễn.

- Đối với những bạn sợ độ sâu hãy khắc phục bằng cách bơi ếch ngẩng đầu

- Công tác giáo dục tư tưởng: Bạn phải hiểu rằng dù bơi ở độ sâu 2m hay 20m thì bạn đều có thể bơi được bởi trong lúc bơi bạn không hề chạm chân xuống đáy và bạn luôn luôn nổi trên mặt nước dù nước sâu bao nhiêu đi nữa nếu bạn có kỹ thuật bơi tốt (thậm chí, kể cả bạn có bị chuột rút thì vẫn có thể nổi và bơi được với chỉ một chân và hai tay).

- Bơi ngắn: Bơi mỗi đoạn ngắn ở mực nước sâu từ điểm A sang điểm B (hai điểm là nơi có thể đứng chạm chân xuống đáy được, hoặc có phao nổi để bám vào).

- Phao: Hãy cứ bơi cùng phao kéo để tạo sự vững tâm rằng mình có vật bảo hộ chống đỡ trong lúc cần.

Khắc phục nỗi sợ khi bơi biển để những chuyến đi của bạn trở nên hoàn hảo nhất nhé.

Theo Phương Uyên | Tổng hợp | Umove Travel & Outdoor 

>>>Xem thêm: TOP 5 MÔN THỂ THAO NƯỚC ĐÁNG ĐỂ THỬ

Thong ke

Bạn có hài lòng với sản phẩm và dịch vụ của Umove không?

Xin hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn tại đây