Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc ngồi trước thềm ngôi nhà sàn có kiến trúc rất đặc biệt, xung quanh chỉ nghe tiếng khung cửi dệt cùng dăm ba tiếng cười đùa của lũ trẻ, xa hơn, cả không gian đặc một màu đỏ của đất xứ này. Tôi cứ chăm chú vào bàn tay của người phụ nữ đã đứng tuổi, nét nhọc nhằn in hằn lên khuôn mặt, từng sợi từng sợi được đưa qua đưa lại một cách thuần thục để tạo nên mảnh vải dệt rất đậm chất Ba Na. Dòng Đăk Bla vẫn ngày đêm cuộn chảy đỏ ngầu phù sa từ bao đời dường như đã là nguồn sống, là cái nôi cho ngôi làng cổ nhất của một trong những dân tộc đặc biệt của mảnh đất Tây Nguyên. Dù đã ngang dọc khắp đất nước, ngồi dưới nhiều mái nhà của người Hà Nhì ở Y Tý, nhà trình tường của người Mông ở Sơn Vĩ hay nhà sàn người Thái ở Sơn La nhưng cảm xúc khi lạc giữa ngôi làng Kon K’Tu với hàng chục nhà cổ của người Ba Na quây quanh ngôi nhà Rông cùng nhà thờ là điều không thể nào quên.
Từ Đà Nẵng, chúng tôi ngược về phía Tây theo quốc lộ 14E qua Khâm Đức, Thạnh Mỹ rồi vượt đèo Lò Xo trong làn sương mờ ảo. Cung đèo được xem là hiểm trở bậc nhất nơi cửa ngõ của Tây Nguyên, xuyên qua những cánh rừng bạt ngàn màu xanh, dòng sông Pô Kô cuộn chảy về xuôi. Đặc biệt hơn, nơi đó, trên những đỉnh núi cao nhất mang tên Ngọc Linh là hàng trăm câu chuyện kể về hành trình đi tìm loài sâm quý hiếm cũng như cuộc sống của đồng bào nơi lưng trời mây gió. Dăm ba bông dã quỳ cuối mùa vàng rực hai bên đường đung đưa trong gió, vòng quay bánh xe cứ đều đều dẫn chúng tôi đến thị trấn nơi ngã ba biên giới Plei Kần. Từ đây, chúng tôi rẽ vào Bờ Y – nơi một con gà cất tiếng gáy, cả ba nước cùng nghe để đứng giữa đất trời, giữa vùng phên dậu của tổ quốc mà nghêu ngao hát. Cột mốc ba mặt của ba nước Đông Dương là điểm chung của đường biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia nằm trên một ngọn đồi nhỏ, bốn bề chỉ có rừng, nắng và gió thổi rát mặt người.
Tôi cứ mải miết đuổi theo ánh nắng chiều trải đều trên những con dốc dài cong như chiếc võng, vừa xuống khỏi dốc lại bắt đầu hối hả ngược gió để leo lên dốc khác. Giữa cái nắng chói chang, gió Tây Nguyên man mát len lỏi vào khắp con người và làm dịu đi bao cơn khát, mãi tới khi tiếng leng leng của mõ trâu khi qua cầu treo Kon Klor mới làm tôi hết mê mải mà dừng lại khám phá ngôi làng cổ nhất của người Ba Na bên dòng Đăk Bla mang tên Kon K’Tu. Dường như những con người của mảnh đất này đều sinh ra từ rừng, lớn lên nhờ rừng và khi chết đi cũng quay đầu vào núi. Rừng hiện diện trong mọi mặt của đời sống, của từng bản làng và vào cả ẩm thực. Món gỏi lá với hơn 56 loại lá rừng được xem là đặc sản của mảnh đất Kon Tum bên cạnh những công trình mang dấu ấn của thời gian như Tòa giám mục hay Nhà thờ gỗ đã hơn 100 năm tuổi. Các lá này quyện với nhau hòa cùng nước chấm, tôm, ba chỉ luộc, bì cắt nhỏ trộn thính tạo nên các vị khác nhau từ chua, đắng, lẫn chút ngọt và cay nồng của ớt xanh, hạt tiêu.
THEO BỤI ĐỎ TÌM VỀ DI SẢN KIẾN TRÚC CHĂM PA
Có lẽ, chẳng ai vội vã được với mảnh đất mênh mang này, nếu bạn cứ chạy thẳng tuột con đường xuyên á mang tên AH17 từ Kon Tum về tới Buôn Ma Thuột là cũng đủ ngấm một phần hồn cốt của Tây Nguyên rồi. Mặt đường phẳng mịn không một chút gồ ghề của ổ gà ổ trâu, hai bên là những căn nhà của đồng bào dân tộc với hàng chục loài hoa khác nhau, gió cứ thổi liên hồi như tiếng cồng chiêng vẫn vang lên trên mỗi buôn làng. Chúng tôi lại chọn trải nghiệm khác, từ ngã ba Krong Búk rẽ theo đường rừng để sang Ea Súp – nơi có ngọn tháp Chăm Pa duy nhất của mảnh đất đại ngàn. Đây mới chính là Tây Nguyên thực sự – Tây Nguyên của những con đường bụi đỏ, bụi ngập cả bánh xe chúng tôi, nhuộm đỏ cả cây cối hai bên đường, mặt ai cũng lấm lem nhưng đều vui, vui vì đó mới chính là thứ mà chúng tôi tìm kiếm – một Tây Nguyên hoang dại, nơi những bản làng mới được thành lập của những người con từ miền Bắc, miền Trung vào lập nghiệp đầy nghèo khó nhưng tình nghĩa.
Tháp Chàm Yang Prong (nghĩa là Thần vĩ đại) hay còn gọi là Tháp chàm rừng xanh nằm ở xã Ea Rốk. Đây là một ngôi tháp Chàm (tháp của người Chăm Pa) không được xây trên những ngọn đồi cao mà lại nằm lấp dưới những tán cây cổ thụ của rừng già Ea Súp bên dòng sông Ea H’leo. Vẫn là lối kiến trúc nghệ thuật như những ngôi tháp ở Mỹ Sơn, vẫn loại gạch ngàn năm không rêu mốc nào bám nổi, vẫn thờ thần Shiva nhưng lại đơn độc một mình chứ không nằm trong bất cứ quần thể nào. Tiếng chim hót lẫn cả tiếng gió lao xao, một di sản thực sự nằm ngay trước mắt với bao điều bí ẩn đang chờ được giải mã. Đó là thành quả xứng đáng cho chặng đường lầm bụi mà chúng tôi đã trải qua.
Vòng quay của bánh xe, của tiếng gọi đại ngàn lại dẫn lối chúng tôi ngao du giữa khu rừng khộp độc đáo. Là một loại rừng thưa lá rộng rụng lá theo mùa nên bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt nếu đi vào các thời điểm khác nhau. Vào mùa khô, rừng trơ trụi lá, đất đai khô cằn, các dòng suối trong rừng hầu hết đều khô cạn như những khu rừng chết nhưng chỉ cần một trận mưa đầu mùa là điều kỳ diệu sẽ xảy ra: sự hồi sinh mãnh liệt làm bừng lên một màu xanh ngút ngàn. Tây Nguyên là vậy, những đứa con của bản làng, của Buôn Đôn dũng cảm và ngoan cường chống chọi với thú dữ, với thời tiết khắc nghiệt để tạo nên nét văn hóa độc nhất vô nhị.
BUÔN HỒ THÁNG 3
Tháng Ba vội vã tìm về
Trốn vào những con đường bụi đỏ
Và cái nắng vàng sóng sánh mật ong
Tháng Ba tóc thơm hương gió
Ướp hoa cà phê trắng muốt những dải đồi
(“Gửi tháng ba Tây Nguyên” – Hoàng Anh Thơ)
Nếu như hồ Lak với Buôn Jun làm tôi nhớ những ngôi nhà dài của người M’nong thì Buôn Hồ lại là hình ảnh của những đứa trẻ tung tăng nô đùa trong rẫy café hoa trắng, một trong những loài hoa đặc trưng của mảnh đất Tây Nguyên mùa tháng ba, mùa con ong đi lấy mật. Khi ấy, cả vùng đồi núi như được nhuộm một màu áo mới, màu trắng tinh khôi như những bông tuyết của xứ lạnh. Dưới bầu trời xanh ngắt và cái nắng nhẹ, màu trắng của loài cây làm đổi đời bao gia đình miền đất đỏ bazan dệt nên cảnh sắc không nơi nào có được, nó khiến cho bất kỳ ai qua mảnh đất Ban Mê sẽ chưa đi mà đã nhớ. Như tôi, tất cả những con đường tôi qua đều có cái gì đó rất riêng.
Không có những phiên chợ đầy sắc màu của miền Tây Bắc, không có núi đá hùng vĩ như Hà Giang hay cái rét cắt da cắt thịt của đất trời Y Tý, Tây Nguyên chỉ khép mình trong nhịp thở của cuộc sống giản đơn, sáng lên rừng lên rẫy, chiều tất tả trở về trong ánh hoàng hôn để tối đến quây quần bên bếp lửa, bên ché rượu cần mà kể nhau nghe chuyện đẻ đất đẻ nước. Có hàng trăm hàng trăm câu chuyện cổ tích về mảnh đất này, cũng từng đó câu chuyện tình lãng mạn như dòng thác Dray Sap (thác Chồng), Dray Nur (thác Vợ). Truyền thuyết kể rằng, xưa kia dòng sông Sêrêpok chỉ có một dòng chảy quanh buôn làng. Và rồi, ở hai bên bờ sông ấy có một đôi nam nữ yêu nhau đắm say nhưng lại bị sông cách trở, bị gia đình cấm đoán mà rủ nhau gieo mình xuống dòng sông để mãi bên nhau nơi chín suối. Đúng lúc đó, trời nổi gió mây vần vũ, đất nứt toác chia tách dòng sông thành hai nhánh mà sau này người dân vẫn gọi là nhánh sông đực và nhánh sông cái. Dòng chảy của nhánh sông đực đã tạo nên thác Dray Sap và dòng chảy của nhánh sông cái tạo nên thác Dray Nur hiện nay.
Dường như ai đi Tây Nguyên về cũng mang trong mình một nỗi khắc khoải, người mê vị cà phê Ban Mê đến nức lòng, người lại phải lòng những dòng sông trong nắng chiều, kẻ mê thác, người thích rừng, ai đó lại tò mò với cồng chiêng với những ngôi nhà mồ độc đáo. Còn tôi, tôi nhớ Tây Nguyên là nhớ đến những con đường lầm bụi, những mái nhà của người Ba Na, Ê đê, M’mong, của gương mặt lũ trẻ con đen nhẻm bởi nắng gió nhưng hồn nhiên và vui tươi đến tột cùng. Sông vẫn chảy, vẫn ầm ào như kể cho tôi nghe về chuyện dòng nước, chuyện bản làng. Chuyện về những người con của rừng khép mình với cuộc sống hiện đại, nhưng lại hòa mình vào dòng chảy của thiên nhiên. Một mùa khô lại sắp đến, mùa lễ hội cũng đã bắt đầu, cồng chiêng sẽ không còn im ngủ trong góc nhà Rông, cây nêu sẽ được dựng lên, ánh lửa lại bập bùng bên ché rượu cần, già làng sẽ lại kể những câu chuyện muôn đời không cũ, để người lữ khách ngồi mãi không về.
W.TIPS
Thời điểm
Từ tháng 11 đến tháng 3, tháng 4 là mùa Tây Nguyên đẹp nhất cũng là mùa khô ở đây. Mùa dã quỳ chớm khép là đến mùa hoa cà phê trắng muốt mọc dày cành tạo nên một quang cảnh vô cùng tươi đẹp. Đây cũng là thời điểm có nhiều lễ hội diễn ra như lễ cơm mới, lễ cúng bến nước, lễ hội mừng xuân, hội đua voi buôn Đôn.
Ẩm thực
Ở Pleiku bạn có thể thưởng thức bún mắm nêm, phở khô, bún mắm cua trong khi ở Kontum có vô số các đặc sản như cá tầm măng đen, gà nướng măng đen, gỏi lá, cơm lam, nướng ống lô ô, cá gỏi kiến vàng, dế chiên, lá mì, thịt nhím. Đặc biệt cơm lam với rượu cần là món quà du khách có thể mang về. Ở Buôn Mê Thuột có bún đỏ, bánh khọt, bánh ướt, bò nhúng me.
Phương tiện
– Pleiku cách Hà Nội 1,5 giờ bay và cách TP HCM khoảng 1 giờ bay.
– Ngoài ra từ bến xe Giáp Bát hoặc bến xe nước ngầm bạn cũng có thể bắt xe khách giường nằm tới bến xe Đức Long (Gia Lai) với thời gian di chuyển hơn 20 giờ, giá khoảng 600.000VND/người. Từ TP HCM, bạn khởi hành ở bx Miền Đông, thời gian di chuyển hơn 11 giờ, giá vé trên 200.000VND/người.
– Đến nơi, bạn có thể thuê xe máy hoặc ô tô tự lái để thỏa sức khám phá các cung đường.
Trang phục
Nên mặc những áo khoác có lớp cản gió, giữ nhiệt, uống đủ nước và bôi thêm dưỡng ẩm cho da tránh mất độ ẩm nếu bạn đến Tây Nguyên vào mùa khô lạnh. Những đôi giầy đi bộ hoặc giầy sneaker đế mềm là hoàn hảo cho những chuyến du lịch Tây Nguyên.
Theo Wanderlust
>>>Xem thêm: TOP 15 ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM DO LONELY PLANET BÌNH CHỌN