0904 906 848

09:00 - 21:00

0243 771 3305

09:00 - 21:00

Lạc bước Nhìu Cồ San – khu rừng thủy tinh

14:02 21/06/2017 - Lượt xem: 61

Chúng tôi quyết định chinh phục Nhìu Cồ San vào đợt thời tiết có gió mùa về, dự báo khu vực Lào Cai có thể có băng tuyết. Muốn có thêm trải nghiệm thú vị với tuyết trong rừng cao nên chúng tôi đã không ngần ngại lên đường với hi vọng sẽ khám phá khu rừng Nhìu Cồ San ở một góc thật khác.

Trong điều kiện thời tiết giá lạnh, ai nấy đều chuẩn bị đồ đạc rất cẩn thận và kĩ lưỡng. Tôi không quên mang theo áo quần giữ nhiệt, tấm dán nhiệt, túi ngủ to, khăn mũ, thuốc men và túi kẹo gừng. Mọi người trong đoàn đều háo hức được trải nghiệm một chuyến trekking thật khác biệt, với thời tiết khắc nghiệt và nhiều thử thách hơn.

Quả là thử thách ngay từ chặng đường đầu tiên. Đường vào bản Khu Chu Phìn rất khó đi, lại thêm mưa gió, bùn đất nhão nhoét. Khá vất vả mới vượt qua được chặng được offroad dài, ai nấy mặt mũi, chân tay lấm lem bùn đất và mệt phờ. Vào được đến nhà Porter dẫn đường cũng vào khoảng 15h chiều. Vì vậy, chúng tôi quyết định ở lại nhà anh một đêm rồi sáng mai đi sớm để không bị gấp gáp.

Bữa tối nhà trưởng bản với nồi lẩu lòng ấm cúng

Bữa tối tại nhà trưởng bản, chúng tôi đã nấu một nồi lẩu lòng thật đặc biệt. Nhâm nhi chén rượu ngô thơm nồng và húp bát nước lẩu cay cay, béo ngậy giữa cái lạnh của đêm trên miền cao mà thấy thật ấm áp. Rồi đó, cả nhóm cùng nhau chơi trò Ma Sói trong căn nhà sàn đất và mái gỗ. Ngoài kia, gió thổi tràn qua rừng cây, tạo nên những âm thanh rin rít, lạnh lẽo. Trò chơi kết thúc cũng là lúc trời cũng về khuya. Chúng tôi trải tấm cách nhiệt làm giường, ai nấy mặc thật nhiều áo ấm rồi chui vào túi ngủ mong cho qua nhanh đêm lạnh để mai bắt đầu cuộc hành trình.

Boardgame Ma sói chơi trong đêm trên núi càng trở nên đặc biệt

 Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đã đeo balo trên vai và trekking vào sâu trong bản để tiếp cận bìa rừng. Trời vẫn còn sương mù dày đặc. Những vạt cỏ dưới chân bị sương muối và hóa băng trông thật thảm hại. Không khí lạnh đến tê tái khiến ai nấy đều run lẩy bẩy và bước đi thật nhanh để cơ thể nóng dần lên. Con đường bùn đất nhão nhoét và mù mịt. Đi sâu vào hết bản, chúng tôi cũng bắt đầu leo những con dốc đầu tiên để tiến sâu vào rừng già. Lúc này chân núi, tầm nhìn khá hạn chế, sương mù đặc quánh như đang "nuốt lấy" những khóm cây phía trước mặt. Buốt và lạnh thấu xương, nhưng không vì thế mà chúng tôi nản chí. 

 Sương mù trong rừng đặc quánh như nuốt lấy những khóm cây phía trước

 Càng đi, không khí càng lạnh hơn, dưới chân, bùn đất nhão nhoét. Vượt dốc trong cái lạnh có lẽ đỡ vất hơn giữa lúc trời nắng chang. Nhưng lồng ngực thì bắt đầu đau buốt vì nhiệt độ đang giảm khá nhanh, tôi thở hắt ra khói, cảm nhận rõ rệt mưa có đá đang rớt xuống mũ. Có lẽ lúc này, chúng tôi đã đi xa chân núi khá lâu rồi. Khu rừng Nhìu Cồ San cảm tưởng như đã hóa băng. Những giọt sương đọng trên cây lá cũng thành băng giá. Bông hoa khô dường như trở nên sống động và đẹp hơn với lớp phủ trong suốt. Chúng tôi òa lên thích thú khi thấy mình đang bước trong một khu rừng băng với cảnh vật mờ ảo trong lớp sương dày đặc. Rừng thêm ma mị với những thân cây cổ thụ trắng thếch vì băng giá. Có những cây già rơi rớt dây leo, giờ hóa băng nhìn thật giống một con bạch tuộc khổng lồ bị hóa đá, đứng trơ trọi giữa khu rừng rậm rạp. 

Lá phong rụng đầy khắp lối đi trong rừng

 Vào đến rừng thảo quả, chúng tôi đã bị ấn tượng bởi những tán rừng thảo quả bị lớp băng bọc ngoài. Khéo léo dùng tay bẻ tấm băng ra khỏi phiến lá, thấy rõ gân lá in hằn lên băng. Thử nếm miếng băng lá thảo quả, tôi cảm nhận rõ rệt mùi thảo quả thơm thơm và cái lạnh của nước mưa hóa đá. 

Lá thảo quả, lá phong rừng bị hóa băng

Khung cảnh não nề hơn khi chúng tôi biết rằng, những cánh rừng thảo quả này sẽ chết hết, chỉ còn lại tàn úa và xác xơ. Vậy là người dân sẽ mất mùa thảo quả năm nay. Vậy là cánh rừng thảo quả để trồng lại cho lớn, cho xanh cây, chắc cũng mất thêm độ vài năm dài nữa. Cuộc sống trên núi cao vốn đã thiếu thốn, khăn khó, lại thêm những thời tiết khắc nghiệt đến vậy, mất mùa, trâu bò chết vì cóng, ... thật không dễ để sống đủ đầy ở nơi vùng cao hoang vu này

 Góc nhìn từ đoạn gần đỉnh núi sang đỉnh Sừng Trâu

 Tiếp tục hành trình, chúng tôi cùng nhau vượt qua sống lưng của núi, thấy gió phần phật thổi, gió từ dưới vực thốc lên như muốn nuốt lấy người. Chúng tôi e dè, cẩn thận bám vào cây mà đi, nép mình để không lỡ chân mà trượt xuống vực sâu dưới kia. Triền đồi này, cây mọc kín lối, những bông hoa dại hóa băng trông thật sinh động. 

Cây lá hóa băng trông thật sinh động

Cây lá hóa băng trông thật sinh động

 Cây lá hóa băng trông thật sinh động

Cây lá hóa băng trông thật sinh động

Bầu trời vẫn ầng ậc nước, mây phủ trùm, thấp thoáng, thấy đỉnh núi Sừng Trâu hùng vĩ đứng một mình. Đoạn dốc cao, phải bám cây mà leo, gió thì vẫn không ngừng gào thét phía dưới. Cảm giác run rẩy liều mình, cái rét thì thấm qua mấy lớp áo mà làm da nổi gai vì quá lạnh. Trekking mùa băng giá quả thật là một trải nghiệm đáng nhớ.

Qua những đoạn dốc đứng, cuối cùng chúng tôi cũng lên được đỉnh Nhìu Cồ San với độ cao 2.966m. 

Ngọn núi vươn mình ngạo nghễ giữa mây trời. Nhiệt độ càng giảm thấp hơn nữa, quá rét nên chúng tôi vội vàng chụp hình lưu niệm rồi mau chóng xuống núi. Trời dần tối, nhiệt độ cũng thấp hơn, gió trời, mưa thì như sắp rơi ngay trên đầu, ai nấy đều lo lắng, hoảng sợ khi quờ quạng trong rừng rậm với vô số hố to, lỡ chân là bị trượt ngay. Lối đi quá nhỏ, vực và đá trơn ngay mạn phải, chúng tôi bám sát vào nhau với nỗi lo sợ đêm tối. Cả hai tay đều quơ chặt vào bụi cây để tuột xuống những dốc đứng , trơn và hẹp. Ai nấy cũng có vài lần trượt chân, thụt hố hoặc ngã nhào, vồ ếch. Đi trong đêm tối, lại là đoạn đường nhiều cây rậm rạp và lối đi quá hẹp, ngay sát mép vực trơn trượt nên có lẽ đã khiến hành trình thêm nguy hiểm hơn bội phần.

Về được đến điểm nghỉ, chúng tôi mới thở phào an tâm và chuẩn bị cho bữa tối. Ngồi trong lều, nghe rõ tiếng mưa và gió lạnh, cầm cốc trà gừng ấm nóng và nghe tiếng nhạc vọng lại từ chiếc loa bé mang theo, cảm giác vô cùng thư thái. Chúng tôi đã chinh phục thành công đỉnh Nhìu Cồ San trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Và đêm nay, sẽ nằm lặng một giấc êm ái trong lòng khu rừng thủy tinh Nhìu Cồ San..

Chuyến đi được đồng hành với những người bạn thú vị trong khu rừng thủy tinh

Từ chuyến đi đó, chúng tôi đặt tên cho Nhìu Cồ San là "khu rừng thủy tinh".

Thông tin chung

****Độ cao: 2965m

Vị trí: xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai; nằm trên ranh giới Lai Châu - Lào Cai

***Tọa độ: 22.584453, 103.583222

**Cảnh quan: 4,5/10

*Độ phức tạp: 6/10

*Địa hình: Rừng rậm, vách đá

*Thời gian leo: 2 ngày 1 đêm.

Tiếp cận núi từ thôn Khu Chu Phìn, Sàng Ma Sáo

Giới thiệu

Nhìu Cồ San cao 2.965m, còn được biết đến với tên gọi Sừng Trâu. Đây là một nhóm núi hùng vĩ, vươn mình sừng sững giữa vùng Sàng Ma Sáo, Bát Xát, Lào Cai. Núi có 3 đỉnh chính và mỗi ngọn mỗi thế tạo nên một vùng núi nổi tiếng trong vùng.

Chỉ dẫn

- Nằm gần khối núi Bạch Mộc, chính vì thế hướng tiếp cận cũng từ Ủy ban xã Sàng Ma Sáo. Từ đường chính - tỉnh lộ 158, qua Ủy ban xã hướng Y Tý chừng 4km, tới biển chỉ vào bản Nhìu Cồ San thì rẽ vào. Đường xấu, mất chừng 15km để tới bản Khu Chu Phìn (10km). Để tới Sàng Ma Sáo, thuận tiện nhất là đi từ Sapa (70km)

- Nhìu Cồ San có 3 đỉnh với 3 hướng leo khác nhau và đỉnh nhắc đến là đỉnh là cao nhất.

Lịch trình tham khảo:

Ngày 0: Hà Nội - sapa (310km)

Ngày 1: Sapa - Mường Hum - Sàng Ma Sáo - Khu Chu Phìn (60km). Leo núi

Ngày 2: Lên đỉnh. Xuống núi và về Sapa

Ảnh: Hachi8

>>> Xem thêm: 4 QUÁN HẤP DẪN Ở HỘI AN

Hạnh My

Thong ke

Bạn có hài lòng với sản phẩm và dịch vụ của Umove không?

Xin hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn tại đây