Tặng THẺ THÀNH VIÊN với đơn hàng trên 1.000.000đ. Xem thêm
13:47 22/01/2018 - Lượt xem: 49
Thay vì đi du lịch vài lần một năm, Travel blogger biến cuộc đời mình thành một chuyến đi dài. Và đó chắc chắn không phải một hành trình trải hoa hồng. Đặt cuộc đời mình vào những cung đường, họ đã làm gì để trang trải cho những giấc mơ “ngông cuồng” đó?
_____
TRẦN VIỆT PHƯƠNG
TẠO LẬP CON ĐƯỜNG RIÊNG
Cách đây hơn 1 năm, tôi ra mắt cuốn sách đầu tay, và quyết định từ bỏ nghề báo để làm một blogger du lịch toàn thời gian. Tôi quá chán sự ổn định, quá chán môi trường gò bó và khuôn mẫu, quá chán một công thức lặp đi lặp lại nên thôi quyết định từ bỏ một công việc ổn định và có thể nói là ước mơ của nhiều người để tạo lập một con đường riêng cho mình. Tại sao lại nhìn cuộc sống một màu trong khi bản thân bạn có thể nhìn thấy cuộc sống đa dạng hơn?
KIẾM TIỀN ĐỂ XÊ DỊCH
Có rất nhiều nguồn để tôi trang trải cho những chuyến đi. Tiền viết sách, tiền để dành từ nhiều năm, tiền làm thêm từ các công việc nhỏ lẻ ngoài công việc chính là blogger du lịch, tiền quảng cáo của Facebook và Google khi đăng video trên YouTube và cả những hợp đồng, thỏa thuận đăng bài, đánh giá trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ trên các kênh riêng trên web và mạng xã hội.
ĐƯỜNG ĐI KHÔNG TRẢI HOA HỒNG
Tôi đã tiên liệu trước được những khó khăn mà mình vấp phải. Không ngờ, những khó khăn đó khắc nghiệt hơn là tôi tưởng. Làm tự do thì chẳng bao giờ có thu nhập ổn định cả. Tất cả đều là sự bấp bênh và tôi phải nỗ lực từng ngày, từng giờ để duy trì thu nhập của mình.
Ngoài ra, khi bạn là một blogger du lịch thì bạn phải đi đủ nhiều và đủ thường xuyên để có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm chia sẻ với độc giả. Nếu bạn đi ít, trải nghiệm của bạn nhạt nhẽo, chẳng ai theo dõi blog của bạn. Hơn nữa, trải nghiệm của bạn phải sâu, phải thú vị, đòi hỏi bạn phải có óc quan sát, phải có sự cảm nhận và phải có sự giao lưu với những người địa phương nơi bạn đến. Thứ ba là bạn phải tạo được lòng tin nơi độc giả bởi họ sẽ là đối tượng theo dõi hành trình của bạn, góp phần vào sự thành công của những gì bạn viết ra và chia sẻ. Đôi khi, có độc giả cảm thấy khó chịu khi tôi đăng bài quảng bá hay giới thiệu cho một thương hiệunào đó mà không hiểu rằng đó cũng làm một cách để tôi cân đối nguồn thu nhập cho việc xê dịch. Bản thân tôi đã có lúc cảm thấy rất chán nản với quyết định trở thành blogger toàn thời gian của mình. Tôi không thấycó sự tiến triển, tôi không biết tôi làm thiếu, làm sai ở khâu nào.
THÀNH TỰU CẦN CÓ QUÁ TRÌNH
Khó khăn thì nhiều nhưng tự bản thân tôi luôn tâm niệm rằng tôi đã quyết định đi theo con đường này thìtôi phải đi theo đến cùng. Tôi vẫn có một niềm tin khá chắc chắn rằng tôi sẽ thành công với con đường mìnhđã chọn. Sau này khi có gia đình tôi nghĩ vẫn có thể cùng nhau chu du khám phá, để tất cả mọi người cùngđược học từ những điều thú vị trong cuộc sống. Thế nhưng đừng vội vã đi làm một blogger du lịch toàn thờgian ngay lập tức khi bạn chưa trang bị đủ cho mình khả năng tài chính, kiến thức đầy đặn và cả những kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ. Để đạt được một thành tựu đều cần một quá trình. Nếu muốn trở thành một blogg du lịch, hãy bắt đầu đi từ bây giờ, bắt đầu tập viết và chia sẻ, bắt đầu tập các kỹ năng chụp ảnh, quay phim, biên tập video, trau đồi khả năng nói tiếng Anh và đặc biệt hãy đọc thật nhiều.
_____
TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA
SẼ KHÔNG CÒN CHUYẾN ĐI NÀO DÀI THẾ
Với một hành trình dài như chuyến du lịch vòng quanh thế giới này, nếu không làm travel blogger thì không biết sẽ tìm chi phí ở đâu ra để chi trả cho nó, cũng phần vì tiền dành dụm trước giờ đã để dành hoặc gởi phần lớn về cho gia đình vì mình là con lớn trong nhà. Làm travel blogger được thì mới có thể đi tiếp và đi xa hơn.
LÀM VIỆC TRÊN NHỮNG CUNG ĐƯỜNG
Trước đây thì nhờ công việc văn phòng toàn thời gian, thỉnh thoảng cũng viết lách quảng cáo cho vài công ty. Còn bây giờ thì chủ yếu là mình viết quảng cáo cho một số nhãn hàng như lốp xe, điện thoại, copywriter, chụp ảnh cho các nhãn hàng để chi trả cho chi phí chuyến đi. Hiện mình cũng không có nguồn tài chính nào ổn định cả. Trên đời không có gì là miễn phí và hoàn hảo cả, mọi thứ đều cần sự đánh đổi. “Nghề đi du lịch” đôi khi cũng bị stress nhiều lắm, cũng lo deadline, cũng phải chịu rủi ro nghề nghiệp nhất định, cũng lo “thất nghiệp”, giờ làm thì chẳng có xách cặp sáng đi chiều về 8 tiếng mà nó không có ranh giới rõ ràng.
KHÓ THÀNH CÔNG NẾU KHÔNG LÀM MỚI MÌNH
Du lịch không phải là liều thuốc thần, không phải là khu vườn Eden đẹp đẽ, nó cũng như mọi thứ khác trên đời, cũng tự cân bằng và bù trừ mọi thứ với nhau: sự cởi mở và trải lòng với người xa lạ sẽ bị thu hẹp lại dần bằng sự cảnh giác và thận trọng, những trải nghiệm mới đang chờ đón cũng sẽ bị những rủi ro tiềm ẩn như cái bóng theo đuổi phía sau, những cảm giác sung sướng phấn khích khi đặt chân đến một vùng đất xa lạ rồi cũng sẽ bị tô xám xịt khi trở về nhà đầy trống rỗng và tiếc nuối, những chuyến du lịch sẽ được đổi bằng thời gian, sức khỏe, sức lao động, tiền bạc. Khó khăn đầu tiên của một người du lịch toàn thời gian, đó là tài chính. Đôi khi mình cũng rơi vào tình trạng khó khăn do các bên thanh toán chậm. Tuy vậy do có nhiều nguôn thu nhập khác nhau nên vẫn có các khoản bù đắp và mình có thể xoay sở được. Đi du lịch, luôn phải cố gắng giữ sự lạc quan và phấn khởi trong lòng, vì nếu buồn chán thì chẳng đi nữa làm gì. Những tấm ảnh đẹp đẽ, tươi cười rạng rỡ nhiều khi chỉ là những lần dối lòng mình, còn những tấm trông u sầu chỉ là diễn cho “sâu” vui vui thôi chứ lúc buồn và tâm trạng chẳng ai lại chụp ảnh mình bao giờ cả. Có lẽ vì chẳng ai muốn người khác phải xem những tấm ảnh buồn tẻ và chán ngắt, để họ buồn lây và mất cảm hứng, phá hủy cả ngày tươi đẹp của họ cả.
Ngoài ra, travel blogger phải luôn tự làm mới bản thân, phải chia sẻ những cái có ích cho người đọc để thu hút lượng độc giả của riêng bạn. Mình luôn phải suy nghĩ tìm các điểm mới độc đáo hoặc khai thác các góc nhìn ít người biết để page của mình thú vị hơn. Vì travel blogger mà không đi du lịch hay có những bài viết hay, sinh động, mới lạ thì cũng khó thành công.
VÀ BẠN ĐÃ SẴN SÀNG KHI…?
Làm một travel blogger toàn thời gian đòi hỏi phải có sự chuẩn bị. Trước hết bạn phải thật sự đam mê du lịch. Tiếp đó bạn cần tin mình có khả năng viết lách, chụp ảnh, và một số kỹ năng để giúp bạn kiếm tiền trang trải chi phí. Không những vậy, bạn phải chịu được cực khổ và thích trải nghiệm, sẵn sàng đón nhận các thử thách đển với mình vì đường đi là một chuỗi những tình huống không lường trước. Nếu thấy đã sẵn sàng thì cứ từng bước dấn thân vào thử, cũng không mất mát gì.
_____
TÂM BÙI
CÔNG VIỆC “ĐI CHƠI SUỐT NGÀY”
Lúc trước, tôi và những người bạn “đi” của mình khi còn đi làm công ty cứ hay bảo nhau: “Sở thích của mình là đi du lịch. Tại sao tụi mình không biến sở thích này thành một công việc kiếm ra tiền nhỉ? Nếu được vậy thì chúng ta đâu phải làm việc nữa mà chúng ta sẽ đi chơi suốt ngày”. Tôi không cho rằng việc ổn định ở một nơi nào đó, có công việc ngày hai buổi, có lương cố định… là một việc gì đó không tốt. Nhưng tôi thì lại không cảm thấy hạnh phúc với điều đó nên phải cất công tìm kiếm một chân trời mới. May thay, tôi lại tìm thấy hạnh phúc trên những cung đường.
KHÔNG CÓ THỜI GIAN ĐỂ BUỒN
Những ngày đầu tôi dùng tiền tiết kiệm để đi. Nhưng chỉ 2 tháng sau là tôi đã bắt đầu có nguồn thu từ công việc của một travel blogger. Tôi nhận tài trợ từ nhãn hàng để đồng hành cùng sản phẩm của họ trong các chuyến đi. Tôi viết review cho những điểm đến, các hãng lữ hành hoặc các hãng hàng không. Ngoài ra, tôi cũng tự lập cho mình một ekip làm việc chuyên về nhiếp ảnh thương mại tại Sài Gòn. Lúc nào lên đường, tôi chuyên tâm vào ảnh du lịch. Còn khi ở nhà, tôi nhận thêm công việc chụp ảnh quảng cáo cho các nhãn hàng. Với từng ấy việc, thậm chí tôi cảm thấy mình không lúc nào có thời gian để… buồn.
ĐỪNG LÀM HÀNH TRÌNH “BIẾN CHẤT”
Tiền bạc luôn là vấn đề đau đầu của những người làm nghề tự do. Có một nỗi sợ chung của rất nhiều bạn trẻ là khi dứt áo khỏi công ty rồi, bước ra tự đối đầu với cuộc sống thì không biết mình có tồn tại nổi không. Chính sự thiếu chuẩn bị và nỗi sợ vô hình này đã làm các bạn chùn bước. Cho tới thời điểm này, tôi cảm thấy vấn đề tài chính không còn là nỗi lo canh cánh của mình như ngày xưa nữa. Vì tôi biết cách quẳng cái gánh lo ấy đi để chú tâm vào công việc.
Bạn kiếm tiền trên đường đi, nhưng nếu vì thế mà bạn biến chuyến du lịch của mình thành một chuyến công tác thì bạn sẽ thất bại. Chuyến đi không còn mang tính phiêu lưu, bất ngờ và hồi hộp nữa mà nó sẽ bị thuần thương mại. Mà những câu chuyện như vậy đang thừa mứa trên mạng xã hội, độc giả không cần thêm nữa. Họ cần những trải nghiệm hết sức cá nhân, có thể sai lầm, bốc đồng hoặc ngu ngốc, nhưng nó là trãi nghiệm tự thân và rất đời. Người đọc có thể thấy được chính mình trong những câu chuyện đó. Vì tôi là “tỉ phú thời gian”, muốn đi bao lâu tuỳ thích nên cứ ở lại chơi cho sướng, để các giác quan của mình được làm việc hết công suất rồi sau đó mới viết lách và chụp ảnh. Với tôi, tận hưởng phải chiếm 80-90% hành trình thì mới có sản phẩm tốt.
ĐÍCH ĐẾN CỦA BẠN LÀ …?
Tôi không có ý định dừng lại, ngay cả khi có gia đình. Tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể chọn cho mình một mẫu hình gia đình mình muốn. Tôi sẽ chọn người cùng chí hướng với mình để tạo dựng một gia đình, trong đó gia đình tôi sẽ cùng nhau đi chuyển trên khắp các nẻo đường. Biết mình muốn gì là chìa khoá của mọi thành công. Nhưng đích đến của mỗi người chúng ta, buồn thay, lại không phải là thành công mà là những trải nghiệm. Chính trải nghiệm mới làm nên con người, làm nên kỉ niệm và làm một người trở nên khác biệt và duy nhất.
_____
MAI HƯƠNG
ĐI ĐỂ SỐNG THỰC SỰ
Tôi từng là một chuyên viên truyền thông cho một đại học lớn của miền Trung với mức lương ổn. Tôi là niềm tự hào của gia đình. Thế nhưng tôi vẫn không cảm thấy hạnh phúc và cuộc sống như vậy không thỏa mãn được chính mình. Vì thế mà tôi quyết định từ bỏ con đường an toàn và ổn định kia để xách ba lô lên và bước ra ngoài thế giới. Bởi, chỉ đơn giản để biết được mình là ai, mình có thể làm được những gì và đi được đến đâu. Và với tôi đó mới là một cuộc sống thực sự.
TRANG TRẢI CHO MƠ ƯỚC
Công việc chính của tôi là viết lách, chụp hình và quay phim. Tôi đã rèn cho mình để có đầy đủ kỹ năng làm báo ảnh (phóng sự ảnh, góc ảnh), báo viết (những bài nhật ký hành trình, phóng sự, ký sự) và báo hình (phóng sự truyền hình). Trung bình 2 – 3 ngày tôi sẽ gửi đi một sản phẩm. Và nhuận bút thì từ 300.000VND – 2,5 triệu VND/sản phẩm. Tính ra trung bình một tháng tôi vẫn có thể kiếm được từ 10 – 15 triệu VND từ tiền nhuận bút. Và bên cạnh đó thi thoảng tôi cũng có thêm thu nhập từ việc làm KOLs cho việc review và PR cho một số sản phẩm trên các trang mạng xã hội của mình như facebook, fanpage và website. Tôi thường được trả tối thiểu 500.000VND/bài review hoặc PR để đăng lên các kênh thông tin cá nhân của mình. Chưa kể một số chuyến đi tôi được tài trợ 100% chi phí. Một số người sẵn sàng chi trả cho tôi 100% chi phí để tôi đưa họ tới được vùng đất mà họ muốn. Ví dụ như chuyến đi tới bộ lạc Apatani ở Ziro, Ấn Độ.
MÌNH CÓ LỰA CHỌN SAI KHÔNG?
Tôi từng mơ mộng rất nhiều về nghề viết, nhưng khi lao vào thực tế, thì tài chính là một vấn đề cần được đặt lên bên cạnh lý tưởng và đam mê. Để nuôi dưỡng đam mê, tôi phải viết rất nhiều, với tần suất vừa đi vừa viết như vậy, đôi khi còn phải viết vội. Đôi khi chỉ là dạng bài giới thiệu sơ sài kèm vài tấm ảnh, thế cũng xong một bài. Tôi thậm chí không muốn đọc lại những bài báo đó. Tôi cũng mong độc giả khi đọc nó sẽ không nhận ra tác giả là tôi. Đó cũng là một trong những điều khiến tôi rất khổ tâm. Trong suốt 1 năm vừa qua cũng có một vài thời điểm tôi thực sự gặp khó khăn về tài chính. Khủng hoảng nhất là khoảng thời gian bị rơi mất máy ảnh xuống biển, không có đồ nghề tác nghiệp, số lượng ảnh chụp trên hành trình bị mất, thành ra chững lại một thời gian không thể cộng tác với các báo. Tiền làm ra chỉ đủ để duy trì cho các hành trình chứ không dư giả để sắm đồ mới. Có thời điểm trong tài khoản chỉ còn 900.000VND, tôi cũng tự hỏi mình phải sống sao đây nhỉ? Đã có một thời gian tôi thực sự stress và khủng hoảng về chuyện tài chính. Chính thế nhiều lúc tôi cũng tự nghi ngờ bản thân không biết mình có lựa chọn sai không.
TỪ BỎ?
Tuy khó khăn, tôi vẫn chưa sẵn sàng dừng lại với một cuộc sống ổn định. Bởi tôi vẫn nhớ phát điên cảm giác được tự do chạy nhảy trên thảo nguyên, cảm giác băng qua sa mạc hay những ngọn núi tuyết. Đó có lẽ sẽ là những cảm giác tuyệt vời nhất trong đời.
PHẢI GẮN ĐAM MÊ VỚI THỰC TẾ
Theo đuổi đam mê là tốt nhưng nếu như không muốn ngã quá đau, thì phải gắn đam mê với thực tế. Trước khi quyết định từ bỏ vị trí an toàn, bạn phải trả lời được câu hỏi: Bạn có kỹ năng gì? Kỹ năng của bạn có thể nuôi sống bạn khi bạn từ bỏ con đường an toàn để lao ra thế giới không?
_____
CHRISTOPHER HEIL
TÔI KHÔNG CÒN PHẢI XIN NGHỈ ĐỂ ĐI DU LỊCH NỮA
Tôi dành toàn để bộ thời gian cho du lịch từ tháng 9 năm 2014 sau khi nghỉ công việc tư vấn công nghệ trong ngành quảng cáo trực tuyến ở London. Tôi đi du lịch hàng tháng và thường về Đức giữa các chuyến đi. Trước khi nghỉ việc, tôi dành tất cả ngày nghỉ phép để đi du lịch, khoảng 3-4 chuyến, thậm chí đôi khi nghỉ không lương một vài tháng. Tiền tiết kiệm từ công việc tư vấn quảng cáo trực tuyến đủ dư dả để tôi chi trả cho các chuyến đi đến năm 2018.
CHI TIÊU TIẾT KIỆM, TRẢI NGHIỆM HẾT MÌNH
Từ bỏ cuộc sống thường nhật đồng nghĩa với việc tôi không còn được gặp gỡ bạn bè, chơi ghita hay leo núi thường xuyên nữa. Từ bỏ các sở thích ấy vốn không phải là điều dễ dàng với tôi. Tôi đã bắt đầu sử dụng chương trình tiếp thị Affilate trên Amazon và kiếm được số tiền 40EUR đủ để trả chi phí duy trì website trong ít nhất 1 năm. Nhưng hầu như tôi sống dựa vào khoản tiền tiết kiệm. Và cũng nghĩ đến việc dùng những bức ảnh chụp được để tăng thu nhập, một việc tôi chưa từng làm trước đây. Tìm các quán có đồ ăn giá rẻ hơn đồ bán trong siêu thị, đi xe bus thay vì taxi, săn vé máy bay giá rẻ. Tôi thường dành hàng giờ đồng hồ tìm kiếm thông tin để lên kế hoạch cho những hành trình tiết kiệm nhất. Và trong 2 năm, điều này đã giúp tôi tiết kiệm 2.000EUR.
THÍCH NGHI LÀ ĐIỀU CẦN THIẾT
Tôi đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trên đường đi. Như khi nhờ xe, bạn sẽ không biết liệu bạn có thể đến được đúng nơi mình muốn đến hay không và khi nào thì tới. Đôi khi tôi đã phải làm những việc mà nhiều người vẫn coi là quá nguy hiểm, như là dựng lều ngủ dọc đường. Đôi khi có vài người mời tôi về nhà và kể tôi nghe những chuyện kỳ lạ. Nhìn chung, chúng ta sẽ phải thay đổi kế hoạch liên tục và cần tùy cơ ứng biến. Như trước đây, tôi từng rơi vào hoàn cảnh bị một người cho ở nhờ trên couchsurfing bỏ rơi, trong lúc lo lắng và bối rối ấy tôi đã phải tự mình cố gắng tìm cách giải quyết và lên một kế hoạch khác. Tôi cũng dần quen với những sự cố này, nhưng có lẽ với những ai mới bắt đầu đây là một thử thách thực sự.
NẮM BẮT TƯƠNG LAI
Có nhiều người không thực sự biết mình muốn làm gì và nên đi như thế nào. Nhưng tôi thì khác. Với tôi, tương lai luôn rất rõ ràng Tôi muốn mở một trang trại trồng thực phẩm hữu cơ ở Anh trong 5-10 năm nữa, cùng đó là cung cấp chỗ ở và nấu ăn cho khách du lịch và làm nghề quảng cáo trực tuyến tự do trong khoảng 4-6 tháng 1 năm. Khoảng thời gian còn lại là dành cho gia đình và du lịch. Lên kế hoạch cẩn thận sẽ giúp hành trình khám phá thế giới của bạn an toàn và đáng nhớ hơn.
Theo Wanderlust Tips
>>>Xem thêm: CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ CHO LẦN ĐẦU ĐI PHƯỢT?
Xin hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn tại đây
SẢN PHẨM CÓ BẢO HÀNH
ĐỔI HÀNG TRONG 7 NGÀY
GIAO HÀNG NHANH
© Copyright 2022 by Umove.com.vn