Tặng THẺ THÀNH VIÊN với đơn hàng trên 1.000.000đ. Xem thêm
14:42 28/06/2018 - Lượt xem: 79
Không phải một travel blogger hay phượt thủ chuyên nghiệp nhưng những nơi Nguyễn Hiệp (nickname Hiep Kit, sinh năm 1991) đã đặt chân tới thì cũng khá đáng nể với gần 20 quốc gia và hầu hết tỉnh thành của Việt Nam. Bên cạnh tình yêu với du lịch thì Hiệp còn bén duyên với cả niềm đam mê dù lượn – môn thể thao mạo hiểm đang rất được yêu thích hiện nay. Cùng nghe chàng trai này chia sẻ về niềm đam mê của mình.
Chào Hiệp, bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình?
Công việc chính của mình đang là kỹ sư ô tô. Mặc dù có một công việc cố định nhưng thực sự để nói về mình thì là: “Thể xác ở đây nhưng tâm hồn ở những chỗ khác”. Mình đã yêu thích du lịch từ lâu và gần đây còn có thêm niềm đam mê lớn với dù lượn. Cũng vì thế mà ước mơ lớn nhất của cuộc đời mình là có thể mang dù đi bay ở khắp nơi trên thế giới. Bạn cứ thử tưởng tượng xem, được ngắm nhìn các điểm đến ở mọi góc độ từ mặt đất đến trên trời sẽ tuyệt vời đến thế nào.
Bạn có thể chia sẻ những điểm đến bạn đã từng đặt chân tới? Đâu là nơi để lại cho bạn nhiều ấn tượng nhất?
Việt Nam thì mình đã đi gần hết tất cả các nơi từ Bắc vào Nam, chỉ còn khu Tây Nguyên là chưa khám phá hết. Châu Âu thì mình đã từng đi các nước như Anh, Ý, Pháp, Thụy Sĩ, Hy Lạp… Còn châu Á mình đã đi các nước như Indonesia, Philippines. Đặc biệt Philippines với chuyến đi El Nido vào năm ngoái làm mình vô cùng thích thú. Nói về biển thì có lẽ đây là nơi có biển đẹp nhất mình từng đi. Biển ở El Nido, Philippines cực kỳ đẹp, trong xanh và không có rác. Mình là người cực kỳ yêu và quan tâm tới môi trường, thế nên chính sự quản lý tốt về du lịch và môi trường ở El Nido đã khiến mình rất ấn tượng.Có thể nói tới 99% ở đây không có túi nilon. Tất cả mọi người đều dùng túi giấy, ống hút cũng không dùng bằng nhựa mà sử dụng ống tre hoặc ống giấy.
Bên cạnh khám phá cảnh quan hay thưởng thức ẩm thực thì việc trải nghiệm các trò chơi mạo hiểm tại điểm đến cũng được rất nhiều người yêu thích. Bạn có thể chia sẻ những trải nghiệm đó trong những hành trình từng trải qua?
Mình là người rất thích các trò chơi mạo hiểm nên cũng đã thử trải nghiệm này ở nhiều nơi. Như ở Thụy Sĩ, khu vực núi tuyết ở đây là một trong những nơi chơi bộ môn nhảy dù (sky diving) đẹp nhất thế giới. Người chơi sẽ lên máy bay, đeo dù tròn và nhảy xuống, tất nhiên đối vời người mới chơi sẽ có có người kèm khi nhảy. Đây thực sự là bộ môn mạo hiểm mang tới cảm giác mạnh nhất. Sau lần chơi này mình cảm thấy mình thực sự thuộc về bầu trời và mong muốn có thể bay lượn nhiều hơn. Khi về Việt Nam, mình có đăng ký khóa học nhảy dù để có thể tự nhảy một mình và không cần người kèm nữa. Tuy nhiên mình lại đăng ký nhầm khóa dù lượn, có lẽ trong “cái rủi có cái may” vì nhớ đó mình có cơ duyên đến với bộ môn dù lượn và tới nay đã bay lượn rất nhiều trên bầu trời Việt Nam. Mình cũng đang theo đuổi bộ môn này và hy vọng sẽ có một ngày được trở thành huấn luyên viên dù lượn.
Bên cạnh đó, mình còn từng tham gia nhiều trải nghiệm khác như leo núi, lặn biển ở nhiều nơi, nhảy cầu ở Pháp, nhảy thác ở Bali và Việt Nam.
Bạn có thể chia sẻ cảm giác mỗi lần bay lượn như thế nào?
Từ xa xưa rồi, khi con người nhìn thấy loài chim bay trên bầu trời thì đều có ước nguyện một ngày sẽ sải cánh được như vậy. Qua hàng nghìn năm, rất nhiều thế hệ đã tìm cách bay được lên trời, cảm giác rời chân khỏi mặt đất cũng như mình đã bước sang một thế giới khác vậy. Mong ước đó còn thể hiện qua nhiều bộ phim siêu nhiên khi mà rất nhiều người được phú cho đôi cánh và có khả năng bay lượn.
Và bộ môn dù lượn này giống với việc bay như chim nhất. Khi ở giữa bầu trời, xung quanh mình không hề có bất cứ thứ gì ngăn cản mình, mình có thể cảm nhận được gió bay qua tai, qua mặt, qua toàn bộ cơ thể vô cùng chân thực. Điều thứ hai là hoàn toàn tĩnh lặng, không hề có tiếng động cơ. Như vậy bạn có thể thỏa sức ngắm trời ngắm đất, hoặc thậm chí có thể bay theo những con chim vô tình lướt qua. Đó là cảm giác tự do tuyệt đối.
Đặc biệt hơn, khi mình ngắm mọi thứ từ trên cao sẽ khác hoàn toàn với việc mình ngắm chúng từ dưới đất. Tất nhiên có nhiều cách để nhìn những khung cảnh đó, nhưng được nhìn bằng chính đôi mắt của mình thì sẽ không có gì tuyệt vời bằng, bởi chẳng có bất cứ loại máy ảnh hay camera nào tốt bằng đôi mắt người.
Là một người theo đuổi bộ môn dù lượn, bạn có thể chia sẻ những thông tin cơ bản về bộ môn này?
Lịch sử phát triển của dù lượn từ những năm 80, cách đây khoảng 30 năm. Như vậy là sau khi phát minh máy bay rất lâu rồi thì môn dù lượn mới ra đời.
Mặc dù có thể các cấp độ dù lượn ở mỗi quốc gia có thể khác nhau đôi chút, nhưng thường thì sẽ có 5 cấp độ từ P0 đến P5.
Vậy quá trình theo học bộ môn dù lượn sẽ như thế nào?
Mình hiện đang là trợ lý huấn luyện viên dù lượn, đồng thời vẫn tham gia theo học lên các cấp độ cao hơn tại Câu lạc bộ hàng không phía Bắc thuộc Bộ tham mưu quân chủng Phòng không – Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam. Câu lạc bộ dạy các cấp độ dù lượn. Nếu thuận lợi thì các cấp độ P1, P2 chỉ mất khoảng 1 tuần học. Và nếu có thể bay liên tục thì chỉ cần 2-3 tháng là có thể tốt nghiệp P4. Tuy nhiên việc bay dù lượn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, mà ở Việt Nam thời tiết rất thất thường nên việc học nhanh như vậy là rất khó. Nếu có điều kiện, bạn có thể sang nước ngoài học, tuy tốn kém hơn nhưng thời gian có thể rút ngắn rất nhiều.
Nếu môn nhảy dù yêu cầu khá cao về mặt sức khỏe thì môn dù lượn lại không yêu cầu quá nhiều vì bộ môn này cần đến kỹ năng nhiều hơn. Tuy nhiên thường thì cân nặng của người chơi cần rơi vào khoảng 45-90kg, quá nhẹ hoặc quá nặng hơn mức này đều bất lợi.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế cũng là cần thiết vì chi phí để mua một bộ dù lượn (gồm đai, cánh dù, dù phụ) ít nhất là khoảng 40 triệu đồng và mỗi cánh dù chỉ có tuổi thọ khoảng 100 giờ bay. Có nhiều loại dù A, B, C và mức giá còn có thể cao hơn nhiều nữa. Nếu không mua dù thì các câu lạc bộ cũng cho thuê dù với mức giá khoảng tầm 300.000-500.000/lượt bay. Và khi học lên cấp độ P2 thì các huấn luyện viên cũng khuyên bạn nên có dù của riêng mình hơn.
Nếu không có điều kiện theo học bộ môn thú vị này, người bình thường vẫn có thể trải nghiệm dù lượn phải không?
Đúng vậy, hiện nay các câu lạc bộ đều có dịch vụ bay đôi. Theo đó một phi công dày dặn kinh nghiệm sẽ bay cánh dù đôi và trở thêm được một người nữa bay. Các địa điểm tổ chức bay thường là những nơi có view đẹp như Mù Cang Chải mùa lúa chín, bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng, biển Nha Trang, và sắp tới còn có sự kiện bay dù lượn tại lễ hội hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đăng Ya (tỉnh Gia Lai). Mức giá cho mỗi chuyến bay khoảng 15-20 phút rơi vào khoảng 1,5-2 triệu đồng.
Hiện nay bộ môn dù lượn đang ngày càng được nhiều người quan tâm và ưa chuộng ở Việt Nam. Mặc dù bộ môn này mang đến trải nghiệm vô cùng thú vị nhưng vì là môn thể thao mạo hiểm nên chắc chắn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Từ góc nhìn cá nhân, bạn có suy nghĩ gì về điều này?
Tất nhiên bộ môn nào cũng có những rủi ro nhất định. Tuy nhiên nếu tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn khi bay thì mình thấy rất an toàn. Như tại câu lạc bộ hàng không phía Bắc mình tham gia, từ những ngày đầu tập ở mặt đất cho tới khi bay trên bầu trời, mọi quy tắc từ nhỏ nhất đều phải được tuân thủ nghiêm ngặt như: đeo đầy đủ dù phụ, đội mũ bảo hiểm, mang đồ bảo vệ chân tay, mang giầy cao cổ đế cứng, đeo găng tay… Đặc biệt đối với các phi công mới bay sẽ được lựa chọn thời tiết thuận lợi nhất, chuẩn bị tâm lý kỹ càng, sử dụng dù loại A an toàn… để đảm bảo an toàn và giảm rủi ro tối đa. Bên cạnh đó, tại mỗi địa điểm bay, trước khi bay đều xin phép lực lượng quân sự khu vực để đảm bảo trong bất kỳ trường hợp xấu xảy ra mọi công tác cứu hộ được nhanh nhất. Tuy nhiên lịch sử câu lạc bộ tới nay chưa có trường hợp tai nạn nào xảy ra cả.
Cảm ơn những chia sẻ của Hiệp về bộ môn dù lượn cũng như tình yêu du lịch. Chúc bạn luôn thành công trong việc theo đuổi những đam mê của mình!
Theo Wanderlust Tips
>>>Xem thêm: QUỶ CỐC TỬ: ‘NGHỀ SĂN KHOẢNH KHẮC CHO TÔI NHIỀU TRẢI NGHIỆM ĐỂ ĐỜI’
Xin hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn tại đây
SẢN PHẨM CÓ BẢO HÀNH
ĐỔI HÀNG TRONG 7 NGÀY
GIAO HÀNG NHANH
© Copyright 2022 by Umove.com.vn