0904 906 848

09:00 - 21:00

0243 771 3305

09:00 - 21:00

Phòng chống và sơ cứu khi bị rắn cắn

23:12 28/07/2017 - Lượt xem: 698

 

Khi đi chơi, đi dã ngoại hay thám hiểm ngoài tự nhiên nhiều người không để ý đến việc phòng bị những nguy hiểm có thể đến từ loại rắn. Trong năm 2014 Bệnh viên Quân y 121 ở Cần Thơ tiếp nhận 354 ca nhập viện do bị rắn cắn trong đó riêng sát thủ rắn lục đuôi đỏ đóng góp 345 ca. Không biết con số của toàn quốc là bao nhiêu nhưng chắc là khá khủng. Theo thống kê của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, có 193 loài rắn cự ngụ ở nước ta trong đó có 53 loài rắn độc, thuộc 2 nhóm rắn hổ (35 loài) và rắn lục (18 loài). Tin vui là không phải rắn nào cũng có độc, còn tin khá buồn là vùng nào cũng có rắn độc. Có 12 loài rắn độc sống ở miền Bắc, 19 loài sống ở miền Nam và 22 loài sống ở mọi miền. Túm lại cứ vào rừng, ra đồng, lên bờ đê và cả đi công viên với bạn gái cũng có nguy cơ chạm trán các loài rắn mà tỷ lệ gặp rắn độc là không thấp.

Chắc do sinh năm rắn nên mình thích bò sát và đặc biệt thích rắn. Hồi bé quanh nhà mình toàn ruộng và hồ ao nên gặp rắn nhiều lắm, cũng có đôi lần đi bắt rắn nước, rắn ráo. Lớn lên mình đọc nhiều sách báo về rắn và có duyên gặp gặp rắn trong rừng nhiều lần. Xin phép được chia sẻ ít kinh nghiệm và hiểu biết về việc chống rắn với mọi người.

Nếu search google thì đa phần các kết quả sẽ thiên về cách xử lý khi bị rắn cắn, các bài thuốc, các cao nhân, dị nhân trị rắn căn. Các trang mạng của nước ngoài có các chỉ dẫn cách chống rắn không xâm nhập vào lãnh thổ (nhà) của bạn. Không nhiều kết quả hưỡng dẫn bạn cách giảm thiểu nguy cơ bị rắn cắn khi đi trong rừng hoặc phòng tránh rắn khi cắm trại trong rừng. Trong phạm vi của bài chia sẻ này mình xin đưa ra 3 nội dung mà mình cho rằng quan trọng với người đi du lịch tới các khu vực có nguy cơ chạm trán với rắn mà mình cứ xin gọi là đi vào tự nhiên:

-      Phân biệt rắn độc với rắn lành

-      Sơ cứu khi bị rắn cắn

-      Phòng chống rắn trong tự nhiên

1, Phân biệt rắn độc với rắn lành: Việc phân biệt được rắn nào độc rắn nào lành là rất quan trong, nó giúp bạn sống sót khi bị rắn cắn. Con người vốn mang một nỗi sợ bản năng với loài rắn, chỉ nhìn thấy rắn thôi là bấn loạn lên rồi nói gì đến việc bình tĩnh xác định con rắn ấy là loài mình có thể huýt sáo đi qua nó hay tránh càng xa nó càng tốt. Thêm nữa dựa vào các đặc điểm bên ngoài của con rắn để bảo nó là loài độc hay lành thường chỉ có các nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về rắn (chắc gọi là các nhà rắn học) mới có thể làm được do là rắn độc và rắn lành không có sự khác biệt lớn về ngoại hình. Thông thường rắn độc có đầu to, đầu hình tam giác, cổ nhỏ, phần đuôi từ sau lỗ hâu môn nhỏ đi rõ rệt. Rắn lành thường có đầu nhỏ, hình bầu dục, đuôi dài, phần đuôi sau lỗ hậu môn nhỏ dần đều. Tuy nhiên những đặc điểm này không phải lúc nào cũng đáng tin. Có nhiều loài rắn cực độc như Ngân hoàn, Kim hoàn, rắn biển lại có đầu nhỏ và thuôn hình bầu dục. Trong khi đó có nhiều loài lành như chó cún lại trông hệt như rắn độc, điển hình là rắn Sồng cổ hay còn gọi là rắn Hổ mang giả do nó có hình dạnh giống với rắn hổ mang. Để xác định một con rắn bất thình lình hiện ra trước mắt bạn là loài độc hay lành ngoài việc căn cứ vào các đặc điểm kể trên còn phải có kiến thức về các loài rắn cư trú tại khu vực bạn đang đi vào.

Vậy nếu khó thế thì phân biệt làm gì cứ thấy rắn là tránh thôi. Quá đúng, cứ thấy rắn là bạn nên tránh xa nhưng bạn vẫn cần phải biết đến sự khác biệt căn bản của rắn độc và rắn lành, đó là Răng độc.  Nếu vạch mồm con rắn ra mà thấy có răng độc thì chắc chắn đó là rắn độc. Răng độc có 1 cặp. Có 2 loại răng độc, một là răng nanh, răng nanh có rãnh chứa dịch độc thường nằm phía trước của ngạc gọi là răng nanh trước. Cũng có loài rắn có răng nanh mọc phía sau của ngạc goi là răng nanh sau. Thông thường loài có răng nanh trước (rắn biển, rắn Kim hoàn,…) độc hơn loài có răng nanh sau. Loại răng độc thứ 2 gọi là răng ống, là một đôi răng dài, cong và rỗng bên trong như cái ống để dẫn nọc đọc khi cắn. Điển hình của loại này là rắn hổ mang.

Rắn lành thì không có răng nanh hay răng ống, các răng cao đều như nhau.

Biết được đặc điểm này giúp bạn phân biệt được vết cắn trên chân bạn là của đối tượng nào  trong trường hợp con rắn cắn bạn đã “mất hút con mẹ hàng lươn” rồi. Nếu là vết cắn của rắn độc nhất định có 1 cặp răng hiện rõ. Nếu là vết cắn của rắn lành thì thường có nhiều vết răng đều nhau. Nhiều loài rắn độc ngay sau cắn bạn sẽ thấy cảm giác đau và sưng, có thể còn thấy buồn nôn, ra mồ hôi lạnh, khó thở. Nhiều loài rắn độc khác phải mấy tiếng sau khi bị cắn bạn mới thấy các triệu trứng và thường khi đó là nguy kịch rồi. Do đó việc xác định ngay vết cắn là của rắn độc hay rắn không độc là vô cùng quan trọng. 

2, Sơ cứu khi bị rắn độc cắn: Trong thực tế điều này vô cùng quan trọng. Bạn sống hay chết phụ thuộc vào việc sơ cứu có đúng cách và kịp thời hay không. Mục tiêu của sơ cứu là làm cho nọc độc của rắn xâm nhập vào cơ thể ít hơn và chậm hơn, nhờ đó có đủ thời gian để đến cơ sở y tế.

Khi đã xác định được vết cắn là của rắn độc (chứ không phải là rắn lành hay bò cạp, rết) dùng băng y tế thực hiện kỹ thuật băng ép bất động với một số loại rắn hổ ( hổ mang chúa, rắn cạp nong, cạp nia,rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường): băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

Tham khảo: BỘ CẤP CỨU RẮN CẮN

Kỹ thuật băng ép bất động:

 - Dùng băng rộng khoảng 10 cm, nếu có điều kiện dài ít nhất khoảng 4,5 m.Băng vải hay băng chun giãn là lựa chọn tốt nhất hoặc không có thể tự tạo bằng khăn hoặc quần áo. Không cố cởi quần áo vì dễ làm chân, tay phải vận động, có thể băng đè lên quần áo.

- Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (đủ để luồn một ngón tay giữa các nếp băng, còn sờ thấy mạch máu đập).

- Băng bắt đầu từ ngón tay và ngón chân và tiếp đến là toàn bộ tay và chân bị cắn.

- Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay với nẹp.

Vết cắn ở bàn tay, ngón tay, cẳng tay:

- Băng ép bàn tay, cẳng tay.

- Cố định cẳng tay và bàn tay bằng nẹp.

- Lấy khăn hoặc dây để quàng lên cổ của người bệnh.

- Hãy cố gắng duy trì băng ép bất động đến khi được đưa đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng cấp cứu,việc tháo băng ép hay không phải do bác sĩ quyết định. 

Vết cắn ở trên thân: ép lên vùng bị cắn, tuy nhiên không làm ảnh hưởng đến cử động ngực của nạn nhân.

Vết cắn ở thân mình: ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động ngực nạn nhân.

Vết cắn ở vùng đầu, mặt, cổ: khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Người bị rắn cắn cần phải có hỗ trợ trong việc di chuyển, tốt nhất là được cõng hay dùng cáng đưa đi, tránh việc phải vận động nhiều vì càng vận động nhiều càng dễ đưa nọc độc phân tán khắp cơ thể.

Có một điều cần lưu ý là việc bạn mô tả được con rắn đã cắn bạn trông như thế nào cho người điều trị sẽ giúp bạn có cơ hội được điều trị tốt hơn. Nếu con rắn cắn bạn bị trừ khử thì tốt nhất là đưa xác nó đến bệnh viện cùng bạn.    

Hiện có thông tin trái chiều về việc có hay không nên dùng ống hút nọc độc và áp dụng kỹ thuật garo khi sơ cứu rắn cắn. Trong tất cả các bộ Snake bite kit của Tây mình đều thấy có dụng cụ để hút nọc và garo nhưng theo tài liệu hướng dẫn của Trung tâm chống độc, Bênh viện Bạch Mai thì 2 phương pháp này chả có ích gì mà còn có thể làm hại hơn cho nạn nhân.

3, Phòng chống rắn ngoài tự nhiên: Khi bạn đến thăm quan khám khá một vùng tự nhiên sẽ có 2 trường hợp bạn cần lưu tâm phòng chống rắn: khi bạn đi và khi bạn ngủ.

Khi bạn đi:

- Khi bạn đang đi trong khu vực có nguy cơ gặp rắn tốt nhất là có gậy chống (1,5m – 1,8m) để khua khoắng phía trước và các bụi rậm. Nếu có con rắn nào ở phía trước trên đường đi thì ít nhất nó sẽ cách bạn 1 tầm gậy khi bạn nhận ra nó. Ở trong rừng bạn thường cắm cúi bước đi hoặc hớn hở ngắm chim, ngắm bướm hoặc mắt hoa lên và miệng phì phò vì mệt bạn sẽ không nhận ra con rắn do chiến thuật ngụy trang của nó hoặc chỉ đơn giản là bạn không thể chỉ chăm chăm chú ý xem có con rắn nào ở quanh không. Hãy dùng gậy để chọc, đập bất cứ bụi cỏ, đống lá khô, hang hốc nào trước khi bạn tiếp xúc gần hơn.

- Đa phần rắn hay tấn công vào phần chi dưới nên bạn có thể mang một cái xà cạp chống rắn cắn (Gaitors) và đi giấy da cao cổ.
 

- Rắn là loài máu lạnh vì thế nó phải hấp thụ nhiệt bằng cách sưởi nắng, nếu đêm hôm trước trời mưa và sáng hôm sau trời nắng thì bạn rất dễ có cơ hội gặp gỡ 1 em rắn đang sưởi nắng tại nơi quang đãng nào đó. Có lần mình rơi vào đúng trường hợp này khi đi chùa Hương. Mình suýt toi đời với một con hổ mang chúa đang sưởi nắng trên bậc đá, nó dựng lên cao cả ngang ngực mình và chỉ cách khoảng 2 m.

- Nếu chui vào hang đá khô ráo để tránh mưa hoặc thám hiểm thì khả năng gặp rắn cũng rất cao. Hãy dùng gậy, đèn phi và hãy dùng tiếng động để đảm bảo không có con rắn nào ở trong đó chào đón bạn bằng 1 nhát cắn.

- Rắn thường hoạt động mạnh về đêm vì thế không nên đi lại khi trời tối. Khi đi tè ở điểm cắm trại cần phải có đèn pin, và kiểm tra thật kỹ trước khi hành sự.

- Không nên ngồi nghỉ ở chỗ có hang hốc, gò đống hay bờ ruộng, bờ áo có nhiều hang chuột.

- Không nên lật đá hay thân cây đổ bằng tay, hãy dùng gậy hoặc kiểm tra kỹ trước khi làm.

- Nếu chẳng may bạn đột nhiên thấy 1 em rắn ở cách mình mấy chục phân mà trong tay không có cái gậy hay cành cây dài nào, việc khôn ngoan nhất bạn cần làm là đứng im để nó bò đi. Mọi hành động bất thường của bạn như rú lên, nhảy lùi lại,… đều có thể khiến con rắn tấn công để tự vệ.

- Nếu tiêu diệt rắn rồi không nên sờ vào miệng rắn, nhiều loài rắn bị chém lìa cổ rồi mà cái đầu vẫn cắn được. Kể cả trường hợp con rắn chắc chắn chết rồi cũng không nên sờ vào mồm rắn vì nếu tay bạn bị xước dịch độc từ răng của rắn vẫn có thể truyền sang bạn.

Khi bạn ngủ:

- Địa điểm dựng trại không nên ở sát mép nước (suối, hồ, ao). Không nên ở cạnh cây đổ, gò mối vì đó rất có thể là nơi trú ẩn của rắn và cả các loại côn trùng. Nơi cắm trại nên ở chỗ có mặt đất thoáng, cỏ thấp hoặc không có cỏ.

- Bạn phải luôn kéo khóa đóng cửa lều. Nếu chẳng may đi ra quên không đóng thì khi đi vào phải soi đèn kiểm tra trước khi vào.

- Trước khi đi chuẩn bị sẵn một trong những thứ sau để rắc xung quanh lều đuổi rắn đi: bột lưu huỳnh, long não (viên), bột huỳnh hoàng (rất độc với người nên phải dùng găng tay và khẩu trang khi rải, không khuyến khích dùng vì dùng nhiều nó ngấm xuống đất và vòa nguồn nước), củ xả hoặc bột xả. Nếu nhà có điều kiện thì mua các loại thuốc đuổi rắn của Tây (snake repellent). Có lần mình sang Campuchia khi vào rừng cắm trại người dân địa phương chỉ cho cách dùng một loại quả thuộc họ chanh, mùi tương tự như chanh tây và rất ít nước, đem rải quanh lều. Hôm đó ngủ ngon.    

- Nên đốt lửa trại để xua côn trùng và cả rắn.

- Không nên để thức ăn thừa rơi vãi tại khu vực cắm trại. Rắn khô1ng ăn mấy thứ đồ ăn bạn mang theo nhưng chuột, sóc,… có thể mò đến kiếm ăn và rắn thì lại đi săn các loài đó.

Điều cuối cùng mình muốn nói là rắn vốn nhút nhát, nó không tấn công người mà chỉ tự vệ khi bị tấn công hay đe dọa một cách có chủ ý hay vô ý. Rắn là một sinh vật rất đẹp và rất có ích trong tự nhiên vì thế nếu tránh được hãy tránh chứ đừng tấn công rắn.

Chúc các bạn không gặp rắn độc khi đi du lịch nhé!

 

>>>Xem thêm: KINH NGHIỆM LUYỆN TẬP TRƯỚC KHI ĐI TREKKING

Thong ke

Bạn có hài lòng với sản phẩm và dịch vụ của Umove không?

Xin hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn tại đây